Toàn xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc) đang có hơn 1.200 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ áp dụng các biện pháp canh tác, chăn nuôi phù hợp nên cây dâu, con tằm đã giúp người dân nơi đây ăn nên, làm ra và có được mức thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng/hộ/năm.
Chỉ với 2 sào dâu, nghề nuôi tằm đã mang lại cho gia đình ông Cẩn (Thôn 10, xã Đam B’ri) nguồn thu nhập 17 - 20 triệu đồng/tháng |
• CÓ ĐƯỢC NGUỒN THU NHẬP ỔN ĐỊNH
Theo ông Nguyễn Văn Nhâm - Trưởng Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc, nếu như từ năm 2018 trở về trước, toàn TP Bảo Lộc còn lại dưới 500 ha dâu, thì đến nay, con số này đã dần hồi phục trở lại và tăng lên hơn 770 ha. Đây là tín hiệu vui đối với vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” tơ lụa của cả nước. Riêng xã Đam B’ri đang có hơn 430 ha dâu tằm được người dân trồng ở hầu hết các thôn trên địa bàn. Hiện tại, trồng dâu, nuôi tằm đang được bà con quan tâm đầu tư, phát triển mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thậm chí nhiều hộ dân có được nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ chính cái nghề “ăn cơm đứng” với quy mô lớn được đầu tư bài bản.
Ông Nguyễn Xuân Thành, một hộ dân trồng dâu, nuôi tằm tại Thôn 10 (xã Đam B’ri) cho biết: “Trước đây, toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp của gia đình tôi được trồng chè và cà phê. Bắt đầu từ năm 2021 đến nay, do cây chè già cỗi, năng suất thấp, nên gia đình tôi chuyển đổi 4 sào chè qua trồng dâu nuôi tằm. Để nuôi tằm hiệu quả, gia đình tôi đã xây dựng riêng một căn nhà lợp mái ngói hơn 50 m2; đồng thời, tham gia Tổ nghề nghiệp trồng dâu, nuôi tằm để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ những hộ dân đi trước. Nhờ vậy, từ đó đến nay, gia đình có được nguồn thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/tháng từ nghề trồng dâu, nuôi tằm”.
Bà Mai Thị Phượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam B’ri cho biết: “Là xã thuần nông, nên người dân địa phương phát triển nông nghiệp rất đa dạng. Trong đó, chè, cà phê và dâu tằm là những loại cây trồng chính, chủ lực của địa phương. Ngoài ra, còn có các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bơ và chanh dây. Đối với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ngày càng được bà con đầu tư bài bản từ khâu trồng dâu đến quy mô nuôi tằm công nghệ cao. Nhờ vậy, thu nhập từ nghề trồng dâu, nuôi tằm của người dân địa phương không ngừng tăng lên và mang tính ổn định cao. Mặt khác, những năm gần đây, giá kén tằm luôn giữ mức cao ổn định từ 160 - 210 ngàn đồng/kg, nên người dân rất phấn khởi chú trọng đầu tư mở rộng diện tích và quy mô. Hiện nay, toàn xã đang có hơn 1.200 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm và có được nguồn thu nhập ổn định từ 350 - 400 triệu đồng/hộ/năm. Thậm chí, có những hộ có được nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm”.
• PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Theo bà Mai Thị Phượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam B’ri, để nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển ổn định, bền vững, đầu năm 2019, Hội Nông dân xã đã xây dựng thí điểm Tổ nghề nghiệp trồng dâu, nuôi tằm tại Thôn 3. Theo thống kê, toàn Thôn 3 có hơn 30 hộ trồng dâu, nuôi tằm, khi Tổ nghề nghiệp thành lập đã có 15 hộ tham gia sinh hoạt, với diện tích dâu hơn 9 ha.
Bà Nguyễn Thị Hoa - Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp trồng dâu, nuôi tằm Thôn 3 (xã Đam B’ri), chia sẻ: “Tham gia vào Tổ nghề nghiệp, các tổ viên không chỉ được giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm mà còn được tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề nâng cao kiến thức. Nhờ vậy, sự am hiểu về cái nghề một thời được cho là “ăn cơm đứng” không ngừng được nâng cao. Qua đó, giúp bà con hạn chế thấp nhất rủi ro khi trồng dâu, nuôi tằm. Sau 1 năm thành lập, chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát và kết quả cho thấy hiệu quả từ nghề trồng dâu, nuôi tằm của các tổ viên trong Tổ cao hơn các nông hộ chưa tham gia”.
Với những hiệu quả mà Tổ nghề nghiệp trồng dâu, nuôi tằm Thôn 3 mang lại, Hội Nông dân xã Đam B’ri đã nhân rộng mô hình này ra các thôn khác trên địa bàn. Đến nay, toàn xã Đam B’ri đã thành lập được thêm 4 Tổ nghề nghiệp trồng dâu, nuôi tằm tại các Thôn 4, 7, 8 và Thôn 10, với hơn 150 tổ viên tham gia.
Ông Mai Đức Toàn - Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp trồng dâu, nuôi tằm Thôn 10 cho hay: “Thực tế cho thấy, nghề trồng dâu, nuôi tằm rất phù hợp với các hộ dân có diện tích đất sản xuất ít. Vì chỉ vài sào dâu, nhưng được đầu tư bài bản và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nuôi tằm sẽ mang lại nguồn thu nhập khá (trên 20 triệu đồng/tháng) cho người nông dân. Trong tổ chúng tôi, trung bình mỗi tổ viên đều có được nguồn thu nhập 350 - 400 triệu đồng/năm từ nghề trồng dâu nuôi tằm”.
Nói về định hướng phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Đam B’ri Đỗ Mạnh Tường cho biết: Trồng dâu, nuôi tằm là chiến lược phát triển kinh tế được địa phương chú trọng để định hướng người dân phát triển theo hướng bền vững, lâu dài. Lợi thế của địa phương là hiện nay trên địa bàn xã có 4 hộ nuôi tằm con để cung cấp giống tằm chất lượng. Đặc biệt, Bảo Lộc lại là “thủ phủ” tơ lụa của cả nước nên đầu ra sản phẩm kén tằm luôn được đảm bảo để người nông dân yên tâm phát triển nghề. Tới đây, địa phương sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng để Hội Nông dân thành lập thêm các Tổ nghề nghiệp trồng dâu, nuôi tằm tại các thôn còn lại. Từ đó, giúp bà con yên tâm đầu tư phát triển trồng dâu, nuôi tằm tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin