Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang mô hình doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, dữ liệu lớn (bigdata), internet vạn vật (IOT), điện toán đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI)… nhằm thay đổi phương thức vận hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ sự chuyển đổi tư duy của người lãnh đạo.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp cho thấy hiệu quả rất rõ nhưng rất nhiều thách thức |
Chuyển đổi số chính là việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của doanh nghiệp, với công việc đầu tiên là số hóa dữ liệu và sử dụng công nghệ để phân tích dữ liệu tạo ra giá trị khác. Ví dụ, trước đây doanh nghiệp lưu trữ thông tin về khách hàng một cách thủ công trong các bảng kê trên giấy. Khi ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu được nhập lên phần mềm, trên phần mềm sẽ có các công cụ, thuật toán để phân tích dữ liệu theo các tiêu chí, như đặc điểm về giới tính, độ tuổi, sở thích... từ đó đưa ra các chiến lược định hướng bán hàng hiệu quả…
Theo ông Nguyễn Văn Thân - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Trưởng Ban Chuyển đổi số của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang liên kết với một số đơn vị cung cấp các giải pháp về chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp. Chuyển đổi số mang lại lợi ích 3 tăng và 3 giảm cho doanh nghiệp. Đó là, giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, tăng trải nghiệm của khách hành và nhân viên về sản phẩm cung cấp, hiển thị rõ quy trình sản xuất, kinh doanh và thông tin thị trường của doanh nghiệp; giảm chi phí vận hành, giảm phiền hà cho khách hàng; giảm thời gian định hình sản phẩm mới từ ý tưởng đến khi ra thị trường…
Đại dịch COVID-19 chính là cú hích để đẩy nhanh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, gia tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy phát triển thị trường. Khi dịch COVID-19 lan rộng, những quy định về hạn chế tiếp xúc và việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, mua - bán hàng online, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến, logistics không tiếp xúc... Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh bằng việc tương tác nhanh chóng với khách hàng, chăm sóc cá nhân hóa khách hàng. Thống kê cho thấy, các giải pháp vận hành số sẽ tăng hiệu quả từ 30 đến 40%, thậm chí là đến 100%. Chính vì vậy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ cho riêng doanh nghiệp, là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển và là con đường phát triển bền vững của các doanh nghiệp lớn trong thời đại 4.0. Nhưng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp phải là quyết tâm của cả doanh nghiệp, từ lãnh đạo cấp cao nhất cho đến nhân viên, chứ không phải chỉ là công việc của nhân viên phụ trách công nghệ.
Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải giải đáp được 10 vấn đề của chính doanh nghiệp mình, là: Tại sao doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số? Chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là gì? Các yếu tố để chuyển đổi số thành công? Chọn đội ngũ tiên phong? Xây dựng văn hóa và chiến lược chuyển đổi số? Xác định hiện trạng doanh nghiệp? Chọn giải pháp công nghệ? Triển khai phần mềm công nghệ? Họp định kỳ phân tích hiện trạng? Đánh giá hiệu quả và tối ưu hóa?
Có một thực tế không chỉ riêng tại Lâm Đồng, phần lớn các doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng số trong các công đoạn của hoạt động nghiệp vụ, sản xuất, kinh doanh, phổ biến nhất là các dịch vụ của ứng dụng của mạng xã hội (zalo, facebook...). 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng là lực lượng chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện nhất. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp công nghệ số (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin) ít và hoạt động chủ yếu là mua bán thiết bị công nghệ thông tin, gia công phần mềm…
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số từ rất lâu, đưa các ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào quy trình sản xuất và kinh doanh, nhưng rất ít doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao. Các thiết bị, nhà xưởng công nghệ cao chưa được công nhận là tài sản. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn được hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng rất khó tiếp cận vì nhiều rào cản hoặc vốn bị chia nhỏ… Đây là trở ngại lớn với hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi số được thực hiện trong thời đại bùng nổ công nghệ trên nền tảng internet, đòi hỏi trình độ cao cả về kỹ thuật cũng như nhân lực, sẽ gây áp lực cho các nhà quản trị về sự phát triển doanh nghiệp và tính hiệu quả của chuyển đổi số...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin