Trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là một trong những hướng đi được ngành Nông nghiệp Lâm Đồng thực hiện. Đây là giải pháp góp phần từng bước tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương đảm bảo hiệu quả và bền vững.
Lâm Đồng có nhiều thuận lợi để phát triển cây ăn quả |
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, Lâm Đồng có nhiều thuận lợi để phát triển cây ăn quả. Ngoài lợi thế thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu, đất đai để sản xuất các loại quả có giá trị cao như sầu riêng, chanh dây, hồng Đà Lạt, chuối Laba, bơ…; nội dung về sản xuất loại cây trồng này cũng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề và hàng loạt các cơ chế, chính sách được triển khai để hỗ trợ chuyển đổi và phát triển ngành hàng cây ăn quả từ sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt, việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến đã đạt được những kết quả nhất định, đã có một số nhà máy quy mô lớn được đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Kết quả chuyển đổi cây ăn quả cho năng suất cao, chất lượng tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2015 - 2020, bước đầu đã hình thành được vùng sản xuất cây ăn quả tại các địa phương; trong công tác xây dựng các nhãn hiệu tập thể về cây ăn quả được các huyện, thành phố quan tâm góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lĩnh vực sản xuất cây trồng tại địa phương.
Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, diện tích cây ăn quả đang tăng dần qua các năm. Đến năm 2022, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 32.223,6 ha, tăng 2.871,7 ha so với năm 2021; sản lượng đạt 306.604 tấn, tăng 70.657 tấn so với năm 2021. Diện tích sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao năm 2022 đạt 6.885 ha (chiếm 10,5% diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh); đến hết tháng 3 năm 2023, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đã tăng lên 33.756,6 ha. Một số cây ăn quả chủ lực tăng rõ như: cây sầu riêng 17.931,4 ha; cây bơ 8.587 ha; hồng ăn trái 1.579,9 ha; chuối 1.326,6 ha... Trong đó, có 98,8 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP và 4,5 ha được chứng nhận hữu cơ.
Bên cạnh việc gia tăng về diện tích, lĩnh vực sơ chế, chế biến cũng có được những bước chuyển nhất định. Trên địa bàn tỉnh hiện có 88 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng 11.133,5 tấn thành phẩm/năm. Các cây trồng có sản phẩm lợi thế đều có cơ sở chế biến. Bên cạnh đó, Lâm Đồng hiện có 30 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả với tổng diện tích 1.553,3 ha, 925 hộ liên kết; tổng sản lượng tiêu thụ cây ăn quả các loại qua chuỗi đạt 53.975 tấn (chiếm 22% tổng sản lượng cây ăn quả toàn tỉnh).
Với sự phát triển của việc sản xuất cây ăn quả trên địa bàn, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, hướng tới xuất khẩu. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã được cấp 35 mã số vùng trồng. Trong đó có 33 vùng trồng sầu riêng với diện tích 2.135,2 ha cho 7 đơn vị và 2 vùng trồng chanh dây với diện tích 111 ha cho 2 đơn vị. Ngoài ra có 5 mã cơ sở đóng gói được cấp cho các đơn vị với tổng diện tích nhà xưởng 5.623 m2 và công suất đóng gói đạt 275 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết thêm, để việc phát triển nhóm cây trồng này bền vững, hàng năm Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Hiện, Lâm Đồng có 293 cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây công nghiệp và cây ăn quả. Trong đó, có 91 cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây ăn quả với số lượng1.517.200 cây giống/năm.
Việc phát triển cây ăn quả vẫn đang là một trong những hướng đi của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giống cây trồng thiếu tính ổn định, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng dẫn đến tình trạng nông dân chạy theo thị trường, tự phát chuyển đổi cây trồng không theo định hướng còn phổ biến ở nhiều nơi dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sản xuất. Phần lớn sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ, khả năng tái đầu tư của một số hộ hạn chế; chưa hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Do đó chưa đảm bảo hình thành vùng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn phục vụ công nghiệp chế biến. Mức độ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hiệu quả kinh tế trong sản xuất giữa các vùng, các địa phương, giữa các đối tượng cây trồng chưa đồng đều và chưa có sự đồng bộ. Phương thức sơ chế, chế biến đã được quan tâm, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Phần lớn sản phẩm cây ăn quả được xuất ở dạng nguyên liệu thô và qua trung gian nên trái cây Lâm Đồng chưa có được thương hiệu lớn ở thị trường quốc tế…
Kế hoạch đến năm 2025, diện tích cây ăn quả tỉnh Lâm Đồng đạt 42.500 ha. Để mục tiêu này đạt được với đầy đủ hiệu quả và đảm bảo tính bền vững, ngành Nông nghiệp cần có quy hoạch phát triển cụ thể; kiểm soát chặt chẽ để không dẫn đến tình trạng phát triển "nóng", không đúng với quy hoạch là điều cần thiết. Thực tế, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp cũng như tự chặt phá, tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây khác đang trồng xen có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng. Bên cạnh đó, cần tập trung vào khâu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin