Trong thời gian qua, việc kiểm tra cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều loại nông sản trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần khẳng định uy tín và nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Công ty TNHH SXTM Long Thủy, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm đã được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng |
• 35 MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng tính đến nay đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 35 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói cơ sở đóng gói nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó gồm 33 mã số vùng trồng sầu riêng diện tích 2.135,2 ha với 683 hộ sản xuất, đạt sản lượng 75.001,3 tấn/năm, và 2 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 111 ha.
Cụ thể, tại huyện Đạ Tẻh, Công ty TNHH B’laoFood có 4 MSVT (44 hộ, 280 ha, 9.233 tấn/năm) tại các xã Quốc Oai, Mỹ Đức, Triệu Hải; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại (SXTM) Long Thủy có 5 mã số vùng trồng (68 hộ, 302,7 ha, 11.569 tấn/năm) tại các xã Quảng Trị, Đạ Kho, Triệu Hải. Tại huyện Đạ Huoai, Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu nông sản Tây Nam Bộ có 4 mã số vùng trồng (59 hộ, 201,5 ha, 7.657 tấn/năm) tại thị trấn Đạ M’ri, xã Hà Lâm; Công ty TNHH Đức Huệ có 1 mã số vùng trồng tại xã Hà Lâm; Hợp tác xã Phước Trung có 1 mã số vùng trồng tại xã Phước Lộc.
Tương tự, huyện Bảo Lâm với 5 mã số vùng trồng của 3 Công ty TNHH B’laoFood (82 hộ, 147,3 ha, 5.597,4 tấn/năm); Công ty TNHH SXTM Long Thủy (36 hộ, 133,8 ha, 5.253 tấn/năm); Công ty TNHH Đức Huệ (22 hộ, 61,4 ha, 1.603 tấn/năm) tại xã Tân Lạc và xã Lộc Nam. Huyện Cát Tiên cũng được cấp 5 mã số vùng trồng cho Công ty TNHH B’laoFood (37hộ, 80,4 ha, 2.172 tấn/năm) tại các xã Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng, Nam Ninh.
Còn lại các Công ty Cổ phần Nông nghiệp Life Solution, Công ty TNHH B’laoFood, huyện Đam Rông được cấp 4 mã số vùng trồng quy mô 212,5 ha với 49 hộ liên kết sản xuất, tổng sản lượng 7.993,5 tấn/năm tại thôn Păng Pế Nâm, xã Đạ Rsal; Thôn 3, xã Liêng S’rônh. Và huyện Di Linh 3 mã số vùng trồng (60 hộ, hơn 153 ha, 5.418,5 tấn/năm) của Công ty TNHH B’laoFood, Công ty TNHH SXTM Long Thủy, Hợp tác xã Nông lâm thủy sản sạch Thành Công tại xã Hòa Nam. Ngoài ra có 1 mã số vùng trồng chung của Công ty TNHH SXTM Long Thủy với 74 hộ liên kết sản xuất 150 ha, sản lượng 6.000 tấn/năm tại 3 huyện Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai.
Tiếp theo là 2 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 111 ha do các Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trường Hoàng; Công ty TNHH Bảo Long chủ trì liên kết với 4 hộ sản xuất tại xã Đà Loan và xã Tà Năng, huyện Đức Trọng; xã Tu Tra, huyện Đơn Dương đạt tổng sản lượng 19.200 tấn/năm.
• 1.913 HA SẦU RIÊNG TIẾP TỤC KIỂM TRA CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Bên cạnh đó toàn tỉnh có 5 mã cơ sở đóng gói sầu riêng, tổng diện tích 5.623 m2 nhà xưởng và công suất đạt 275 tấn/ngày. Cụ thể: Công ty TNHH SXTM Long Thủy (Thôn 6, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, 1.200 m2 nhà xưởng, công suất 50 tấn/ngày); Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Bảo Tín (Thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, 2.200 m2 nhà xưởng, công suất 120 tấn/ngày); Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu nông sản Tây Nam Bộ (Thôn 4, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, nhà xưởng 650 m2, công suất 60 tấn/ngày); Công ty TNHH Ts Food (số 61, Thôn 8, xã Hòa Nam, huyện Di Linh, nhà xưởng 1.073 m2, công suất 15 tấn/ngày); Công ty TNHH Đức Huệ (xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc, nhà xưởng 1.200 m2, công suất 50 tấn/ngày).
Đáng kể hiện nay, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp đã được cấp mã số vùng trồng hạt giống rau các loại, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu sang Hà Lan, Pháp, Mỹ từ 0,6 - 2,5 tấn/năm như: cà chua, ớt, dưa leo, dưa lưới, dưa hấu, bí ngòi... sản xuất trên diện tích gần 24 ha. Bao gồm: Công ty TNHH sản xuất hạt giống rau Lâm Đài, xã Hiệp An, Đức Trọng 7 ha; Công ty TNHH sản xuất Bejo Việt Nam, thôn Tân Tiến, xã Tân Văn, Lâm Hà 8 ha; Công ty TNHH Nông nghiệp Inova Đà Lạt, 7 ha và Công ty TNHH HM.Clause Việt Nam 1,7 ha tại xã Gia Hiệp, Di Linh.
“Đầu tháng 6/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã hoàn thành công tác kiểm tra trực tuyến 47 vùng trồng sầu riêng của 23 tổ chức, cá nhân trên địa bàn 6 huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và TP Bảo Lộc với tổng diện tích hơn 1.913 ha”, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết. Và như vậy, số mã số vùng trồng và diện tích sầu riêng Lâm Đồng phù hợp các tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin