(LĐ online) - Liên Khương là 1 trong 14 cảng hàng không quốc tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng hàng không Liên Khương |
Ngoài ra, theo Quy hoạch tổng thể được ký ngày 7/6/2023, còn có 16 cảng hàng không quốc nội được quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 và có thêm 3 cảng (nâng tổng số 19 cảng hàng không quốc nội) được quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tổng thể này xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 với một số chỉ tiêu cụ thể về vận tải và về kết cấu hạ tầng.
Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch đề ra mục tiêu hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tư đưa vào khai thác các cảng hàng không mới phấn đấu khoảng 97% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km. Mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không tại các trung tâm kinh tế vùng, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị bảo đảm hoạt động bay, đồng bộ, hiện đại ngang tầm quốc tế; hình thành các trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay và hệ thống trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay hiện đại.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quy hoạch tổng thể cũng đề ra định hướng đầu tư phát triển; bảo vệ môi trường và nhu cầu sử dụng đất; giải pháp thực hiện quy hoạch. Đồng thời, giao cho Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương.
Theo Quy hoạch tổng thể này, trong thời kỳ 2021 – 2030, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có quy mô, cấp sân bay 4E; công suất thiết kế dự kiến 5 triệu hành khách/năm; diện tích đất dự kiến năm 2030 là 340 ha; ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch là 4.591 tỷ đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin