Tân An, nơi sinh sống êm đềm của cộng đồng người Thái, người Kinh. Mảnh đất của những vườn dâu xanh mướt, những lứa kén trắng tinh. Người Tân An trồng dâu, nuôi tằm có thể nói là hiệu quả, năng suất cao, mang lại trù phú cho vùng đất lắm đá nhiều sỏi.
Anh Hoàng Phúc Cường phơi né |
Bà Lương Nữ Hoài Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà chia sẻ, thôn Tân An là nơi có cộng đồng người Thái sống xen kẽ với người Kinh từ những năm 50 của thế kỷ trước. Bà con đều rất chăm lao động, sống đoàn kết xây dựng quê hương. Nhưng Tân An có điểm yếu là ít đất sản xuất, nhiều đồi, đất khá cằn. Bởi vậy, đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn cho tới khi bà con chuyển bớt diện tích cà phê sang trồng dâu tằm. Cây dâu đã thay đổi hẳn mảnh đất Tân An. Và, người Tân An cũng sáng tạo thêm nhiều kỹ thuật hay trong trồng dâu, nuôi tằm.
Gia đình chị Lò Thị Tân đang có lứa tằm chín, chuẩn bị lên né. Thay vì đặt né gỗ, để con tằm tự bò vào ô né hoặc bốc tằm bỏ vào né thì chị Lò Thị Tân lại dùng lưới nhựa mềm trải lên mặt sàn, nơi tằm đang chín trắng. Những con tằm bò lên lưới, chị trùm lưới lên né và tằm tự chui vào ô, chuẩn bị cho những giờ làm kén. Chị Tân cho biết, để né lên tằm cũng được nhưng chờ hơi lâu. Còn chị sử dụng lưới để đưa tằm lên né thì rất nhanh, dễ dàng, tằm không mất thời gian bò vào né. Hiện, mỗi tháng từ nhà tằm, chị cũng thu được trung bình 20 - 25 triệu đồng, dư giả cho sinh hoạt gia đình, cho con cái ăn học.
Anh Hoàng Phúc Cường, cư dân Tân An cũng chia sẻ, người Tân An nuôi tằm hoàn toàn trên mặt sàn xi măng. Vì nuôi trên mặt sàn nên bà con cũng đảm bảo đầy đủ hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, đó là vệ sinh thật tốt sàn tằm, thả mùng tránh ruồi, côn trùng và đảm bảo nhiệt độ ổn định. Anh Cường bảo, con tằm thích hợp nhiệt độ từ 20 - 28 độ C. Tằm con ưa nhiệt cao hơn và khi tằm lớn thì nhiệt cần giảm xuống. Vì vậy, các nhà tằm của bà con Tân An đều được làm thoáng mát, nhiều cửa, có hệ thống nước chảy làm mát mái. Khi trời nóng, bà con sẽ mở cửa và chạy hệ thống nước làm mát, nhiệt sẽ nhanh chóng giảm xuống 3 - 5 độ. Nuôi tằm cho thu nhập rất nhanh, chỉ 17 ngày là có một lứa thu nên hầu hết cư dân Tân An đều trồng dâu, nuôi tằm.
“Điều rất phấn khởi là cư dân Tân An là cộng đồng nông dân đoàn kết, tiến bộ. Bà con tập trung cùng nhau trong chi hội chăn nuôi tằm, cùng chia sẻ kinh nghiệm, chia giống dâu, giống tằm, mối manh...”, ông Cà Thành Minh, Tổ trưởng Tổ trồng dâu nuôi tằm tâm sự. Ông Minh bảo, bà con các dân tộc ở Tân An sống với nhau như anh em trong nhà, thân thiết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Với riêng con tằm, người Tây An định hướng nuôi sạch, trong đó, chú trọng tới chất lượng vườn dâu và môi trường cho con tằm. Nông dân Tân An đang triển khai việc làm phân hữu cơ từ rác thải, với nguồn men bản địa ủ rác nông nghiệp thành thứ phân hữu cơ mềm, xốp bón cho dâu. Thuốc trừ sâu, trừ rệp cho dâu và xua đuổi côn trùng quanh nhà tằm cũng được bà con làm từ sả, ớt, vỏ cam, chanh, cây tinh dầu. Chăm bón phân hữu cơ, áp dụng thuốc trừ sâu sinh học, đốn dâu đúng vụ, chăm tằm đúng kỹ thuật, năng suất kén của nông dân Tân An được xếp vào thứ hạng cao. Như ông Minh cho biết, năng suất bình thường đạt khoảng 60 kg/hộp giống. Nhà nào chăm tốt, chăm kỹ, năng suất có thể lên tới 65 kg kén/hộp so với mức bình quân của cả huyện là 50 - 52 kg kén/hộp.
Theo ông Minh, từ năm 2017 tới nay, cây dâu, con tằm đã khiến cả vùng đất trù phú. Nhà nước cũng rất quan tâm tới đời sống của bà con. Nông dân được mượn vốn tín chấp từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, từ các ngân hàng với lãi suất ưu đãi thông qua tổ chức hội. Hiện, con tằm đang là vật nuôi mang lại thu nhập nhanh, ổn định cho người Tân An, giúp bà con ngày càng khá giả.
Bà Lương Nữ Hoài Thanh cũng đánh giá, mô hình hợp tác trồng dâu, nuôi tằm của thôn Tân An cũng là điểm sáng của hợp tác trong nông nghiệp. Bà con cùng đoàn kết, xây dựng Tân An trở thành thôn khá giả, trù phú, xây dựng nông thôn mới hiệu quả và thực chất. Và, hướng đi trồng dâu nuôi tằm ứng dụng phân bón, thuốc trừ bệnh hữu cơ của cư dân Tân An đang là điểm sáng, cần được hỗ trợ để mở rộng, giúp cây dâu, con tằm ngày càng bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin