Mùa thu hoạch sầu riêng trên đất Lâm Hà đang sắp tới, những hàng mắc ca vừa được thu vụ tháng 4, chuẩn bị cho vụ thu tháng 10. Cà phê được giá cũng giúp người nông dân phấn khởi. Với nhiều nông hộ, trồng xen đã trở thành phương pháp giúp người nông dân ổn định trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Lương Ngọc Sáng trong vườn trồng xen |
Ông Lương Ngọc Sáng - nông dân thôn Nhân Hòa, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà là một trong những hộ gia đình điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Đưa khách đi thăm vườn, ông Sáng nói vui rằng, nhà ông là “Mô hình trồng cây ăn trái tổng hợp”. Với sầu riêng, mắc ca, bơ trồng xen sầu riêng, quả thật mảnh vườn 2 ha của ông tổng hợp của những loại cây cho thu nhập ổn định trên đất Lâm Hà.
Ông Lương Ngọc Sáng kể lại, vốn quê ở Hà Nam, năm 1993, ông đưa gia đình vào quê mới Lâm Hà xây dựng kinh tế. Cũng như hầu hết người Đan Phượng, ông trồng cà phê. Giá cả bấp bênh lên xuống, giá phân bón cũng như công lao động ngày càng khó khăn, ông Sáng nung nấu mong muốn tìm được những cây trồng khác cho giá trị cao hơn và ổn định hơn. Tham quan nhiều nhà vườn, ông Sáng quyết định chuyển sang trồng xen cây ăn trái trên diện tích cà phê. Đồng thời, do vườn cà phê đã già cỗi, ông cũng quyết định tái canh để đạt năng suất cao hơn và chất lượng nhân tốt hơn.
Vậy là năm 2016, ông Lương Ngọc Sáng bắt đầu cải tạo vườn cà phê. Ban đầu, ông Sáng chọn chặt một số gốc quá già, nhường chỗ cho cây trồng xen. Ông Sáng chọn cây mắc ca, một giống cây được xếp vào cây lâm nghiệp để trồng xen. Theo đúng hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, ông Sáng chọn cây mắc ca có nguồn gốc, là giống mắc ca ghép nhanh cho trái, nhân lớn, chất lượng tốt. Ông chọn trồng thêm 80 cây sầu riêng Thái Monthon để xem sầu riêng có hợp với đất Nhân Hòa. Và ở những vị trí thích hợp, ông Sáng xen thêm bơ 034, giống bơ đặc sản của đất Lâm Đồng.
Thời gian mới cải tạo vườn, trồng cây ăn trái, ông Lương Ngọc Sáng gặp không ít khó khăn. Do chuyên canh cà phê, ông chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ăn trái, nhất là giống khó chăm, khó trồng như sầu riêng. Ông mày mò học hỏi từ cán bộ kỹ thuật, từ hàng xóm, từ các nhà vườn xung quanh về cách bỏ phân, tỉa tán, phòng ngừa bệnh cho cây... Và sau nhiều năm, khu vườn đã mang lại kết quả tốt cho người nông dân.
Mùa vụ 2023, gần 50 cây sầu riêng của ông Sáng đã cho thu hoạch, 2 tấn tiêu sọ, 3 tấn nhân mắc ca… Tổng thu nhập từ khu vườn, sau khi trừ chi phí, đạt mức 500 triệu đồng. Với 2 ha đất canh tác, 500 triệu đồng chưa phải là mức thu quá lớn, nhưng với người nông dân vùng sâu Đan Phượng, đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ. Đặc biệt, ông Lương Ngọc Sáng chia sẻ, trồng xen cây ăn trái giúp người nông dân bớt nhiều nỗi lo. Ông Sáng tâm sự: “Là các công ty, doanh nghiệp trồng quy mô lớn thì rất thuận lợi, với nông dân nhỏ lẻ như chúng tôi, trồng xen giúp giảm rủi ro rất nhiều. Như nhà tôi có nhiều loài cây ăn trái, có một vài loại giảm giá, các cây khác vẫn bù được thu nhập. Như năm nay, bơ giảm sâu thì sầu riêng, cà phê có giá, thu nhập gia đình vẫn ổn định”.
Một điều làm ông Lương Ngọc Sáng tâm đắc là trồng vườn xen canh giúp môi trường vườn rất tốt. Ông chia sẻ, để trồng xen đạt kết quả tốt, nông dân cần nắm được kỹ thuật, đặc tính của từng loại cây, chế độ bón phân, tưới nước. Khó hơn chuyên canh một loại cây khá nhiều. Tuy nhiên, khi trồng xen, đất vườn được phủ nhiều tầng tán, độ ẩm cao và chất đất rất tốt. Vì mỗi loại cây có một thời điểm thu hoạch trong năm, người nông dân phải thường xuyên chăm bỏ phân, đặc biệt, phân hữu cơ, kali, Bo cho cây giữ trái. Và vì vậy, các cây trong vườn đều được hưởng lợi, lượng phân bón được tận dụng hết, không tồn lại trong môi trường. Ông Sáng chia sẻ: “Nông dân trồng thuần cà phê, không có cây che bóng sẽ không tốt như trồng xen. Vì cà phê ưa bóng, sợ gió, trồng xen cây ăn trái vào vườn sẽ tạo được môi trường tốt nhất cho cây. Đồng thời, thu nhập từ trái cây cũng mang lại một khoản cho người nông dân, không sợ phụ thuộc vào giá cả của một loại duy nhất.
Ông Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đan Phượng cho biết, không chỉ sản xuất giỏi, gia đình ông Lương Ngọc Sáng còn là hội viên tích cực của Hội. Ông Sáng tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn, trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn để cùng phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Hàng năm, gia đình ông Sáng đã tạo điều kiện cho hơn 20 lao động tại xã, giúp cho 6 hộ khó khăn về vốn để phát triển sản xuất và hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm liền, gia đình ông được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, danh hiệu “Hộ nông dân kinh doanh, sản xuất giỏi” cấp huyện, tỉnh. Từ một gia đình khó khăn, trở thành một hộ có kinh tế khá ở địa phương, đó chính là thành quả cho ý chí, nghị lực và sự cố gắng không biết mệt mỏi của nông dân Lương Ngọc Sáng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin