Trong bối cảnh xuất khẩu phải đối mặt với nhiều thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm Lâm Đồng lại có mức tăng trưởng đáng kể. Một trong các yếu tố góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh chính là việc áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm FSSC 22000.
Dây chuyền chế biến nông sản của Công ty CP Viên Sơn |
Ông Nguyễn Duy Đa - Giám đốc Công ty CP Viên Sơn, doanh nghiệp chuyên trồng, chế biến và xuất khẩu nông sản của Lâm Đồng cho biết, doanh nghiệp đã xây dựng và được chứng nhận FSSC từ năm 2022, trên nền tảng của chứng nhận ISO 22000 đã được xây dựng năm 2017. Theo ông Đa, trong ngành hàng sản xuất và chế biến thực phẩm, các thị trường cao cấp như Nhật Bản, châu Âu yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải có chứng nhận FSSC. Viên Sơn xuất khẩu sang Nhật Bản một lượng lớn khoai lang cũng như nhiều nông sản khác nên việc xây dựng FSSC là điều kiện bắt buộc. Ông chia sẻ: “Muốn hàng nông sản vào được thị trường Nhật Bản, yêu cầu đầu tiên là doanh nghiệp phải có chứng nhận FSSC. Chưa cần tính đến có hợp tác được hay không, doanh nghiệp phải đưa ra được chứng chỉ rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. Đồng thời, khi có FSSC thì thị trường nào cũng được chấp nhận. Vì vậy, dù chi phí xây dựng tiêu chuẩn, duy trì hệ thống hoạt động cũng như chi phí duy trì không nhỏ nhưng Viên Sơn vẫn luôn đáp ứng để duy trì chứng chỉ FSSC”.
Và Viên Sơn năm 2022 xuất khẩu 2.500 tấn nông sản tươi, 4.200 tấn nông sản chế biến là câu trả lời rất tích cực cho việc xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn cao cấp, chặt chẽ như FSSC.
Với Công ty TNHH Đà Lạt Tự Nhiên, xây dựng FSSC còn là vấn đề then chốt do công ty chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản chế biến sang thị trường Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Anh - Tổng Giám đốc công ty cho biết, ngay từ năm 2019, Đà Lạt Tự Nhiên đã nâng cấp ISO 22000 lên FSSC. Theo ông Nguyễn Văn Anh, chứng chỉ FSSC đòi hỏi rất cao, quản lý chất lượng thực phẩm theo chuỗi từ nông trại cho tới phân phối. Vì vậy, khi doanh nghiệp thực hiện FSSC 22000, một quy trình trồng trọt - thu hoạch - chế biến được chuẩn hóa, đảm bảo an toàn cho nông sản. Doanh nghiệp có thể giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, cải thiện và phòng ngừa rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Công ty TNHH Trà Nai Vàng (KCN Lộc Sơn) cũng đang trong quá trình xây dựng Tiêu chuẩn FSSC cho nhà máy. Ông Trần Đại Bình - Giám đốc công ty cho biết, ngành sản xuất trà không bắt buộc phải xây dựng FSSC. Tuy nhiên, để khẳng định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, Nai Vàng đang xây dựng FSSC, quyết tâm hướng tới doanh nghiệp có hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tốt nhất, sẵn sàng cung cấp những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường cao cấp.
Trong thực tế, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản trên địa bàn Lâm Đồng cũng đang tích cực xây dựng FSSC. Như ông Nguyễn Duy Đa - Giám đốc Viên Sơn vui vẻ chia sẻ “có chứng chỉ rồi mới nói chuyện tiếp”, doanh nghiệp xác định xây dựng FSSC là nền tảng định hướng xuất khẩu.
Ở một nhà máy đạt tiêu chuẩn FSSC 22000, việc kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết. Ngoài ra, tiêu chuẩn này còn kiểm soát các bước trong quá trình sản xuất, vận hành, cung ứng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho đến khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Đa phần các doanh nghiệp ở Lâm Đồng đã áp dụng thành công tiêu chuẩn FSSC 22000 là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâu năm có quy mô xuất khẩu hàng ngàn tấn nông sản, thực phẩm mỗi năm; sự đổi thay từ chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, vận hành cho đến định hướng phát triển doanh nghiệp đều có sự đổi thay đáng kể khi doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Khi sản phẩm thực phẩm của doanh nghiệp Lâm Đồng được gắn tiêu chuẩn toàn cầu FSSC 22000 cũng được xem như là một bản cam kết về an toàn và chất lượng đối với người tiêu dùng và đối tác toàn cầu, nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản địa phương vươn ra thế giới.
FSSC 22000 là bộ tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm do Hiệp hội An toàn thực phẩm chứng nhận, được 154 quốc gia trên thế giới chấp nhận và là điều kiện bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản, châu Âu. Lâm Đồng hiện có 4 doanh nghiệp có chứng nhận FSSC, trong đó đều là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu. Lâm Đồng đang tích cực động viên, khuyến khích và hỗ trợ để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chế biến xây dựng FSSC nhằm tăng sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường quốc tế. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin