Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, người dân mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Văn Phần có thu nhập ổn định nhờ trồng hoa cúc trong nhà kính |
Anh Nguyễn Quốc Phong (35 tuổi) cho biết, sau nhiều lần trăn trở vì giá cả nông sản như cà chua, cải bắp... cho thu nhập bấp bênh, gia đình anh quyết định đi tìm hướng sản xuất mới hiệu quả hơn. “Trong lúc loay hoay tìm cây trồng để phát triển, tôi được biết đến chuối Laba cho thu nhập kinh tế ổn định, phù hợp với thổ nhưỡng cũng như khí hậu nơi đây nên đến năm 2017, gia đình bắt đầu trồng 4 sào chuối Laba” - anh Phong nói.
Theo anh Phong, do không thuê được nhân công phụ việc theo đúng ý nên gia đình phải ôm tất tần tật những công việc trong vườn, từ mua bao ni-lông về trải quanh gốc chuối để hạn chế cỏ; xử lý cây con để cây mẹ có đủ chất dinh dưỡng; đánh dấu cây ra hoa, trổ buồng, tìm cách để cây chịu được gió bão không bị ngã đổ. Hơn nữa, lúc đầu chuối Laba rất dễ trồng, chỉ cần đào cái hố, thả cây non xuống, sau khoảng 1 năm là cho thu hoạch, không cần chăm bón nhiều. “Nhưng một thời gian sau cây chết dần, năng suất giảm hẳn. Tôi tìm hiểu nguyên nhân mới biết giống chuối này phải trồng đúng tiêu chuẩn hố sâu 80x80 cm, vì khi chuối lớn thì rễ chuối dần dần đẩy lên và hay xới xung quanh gốc. Khi trồng phải bón phân, tưới nước đầy đủ, chỉ cần 8 tháng là thu hoạch được, năng suất có thể lên tới 40-60 kg/buồng” - anh Phong giãi bày.
Bình quân thu nhập diện tích đất sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đạt từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha/năm, một số diện tích thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Cũng theo anh Phong, diện tích trồng 4 sào chuối của anh hiện tại có 300 cây, chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng bao gồm giống và hệ thống tưới nước tự động. Khi lứa đầu tiên thu hoạch, một đầu mối chuyên thu mua nông sản ở Đức Trọng vào thấy vườn chuối của gia đình đã “mê tít. Với chi phí đầu tư, chăm sóc như vậy, vườn chuối Laba của anh thu hoạch 2 tháng 1 lần với giá bán cho thương lái mua tại vườn là 7.000-8.000 đồng/kg. Nếu lúc nở rộ, sản lượng anh thu về lên đến hơn 1 tấn/lần.
Hay tại thôn Nam Hiệp 1, gia đình anh Nguyễn Văn Phần cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà kính để trồng các loại cúc khác nhau vào năm 2018. Anh Phần cho biết: Trước đây, vợ chồng anh chỉ biết trồng rau ngắn ngày, theo thời vụ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau một thời gian tìm hiểu và thấy bà con xung quanh trồng hoa cúc có thị trường và giá cả ổn định nên gia đình quyết định mua giống hoa cúc về trồng thử nghiệm.
Để đảm bảo cho bông không chịu tác động của thời tiết và sự thâm nhập phá hoại của sâu bệnh, ngay từ ban đầu, gia đình anh Phần đã xây dựng hệ thống tưới tiêu tự động và đèn chiếu sáng ban đêm nhằm đảm bảo không khí trong vườn lúc nào cũng được điều hòa phù hợp cho bông phát triển. “Bước đầu cho hiệu quả cao, dần dần tôi chuyển đổi diện tích lên đến 5,5 sào hoa cúc và thương lái ở Đà Lạt sẽ thu mua sản phẩm. Riêng trong năm 2022, trung bình một sào như thế, gia đình thu về 50 triệu đồng từ hoa cúc đã trừ chi phí. Ngoài trồng bông thì tôi còn trồng thêm các loại rau ngắn ngày để tăng thêm thu nhập trong gia đình” - anh Phần phấn khởi.
Ông Lê Minh Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Ka Đô cho biết, trước năm 2017, người dân xã Ka Đô chủ yếu trồng rau thương phẩm, chăn nuôi tự phát nhằm phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, quy mô sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, chưa có sự đầu tư kĩ lưỡng nên hiệu quả mang lại không cao.
Còn ít năm trở lại đây, kinh tế nông nghiệp của xã Ka Đô có sự tăng trưởng liên tục, giá trị sản xuất tăng cao. Trên địa bàn hình thành nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả công nghệ cao với trình độ thâm canh ngày càng cao, cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị.
Để tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025, hiện trên địa bàn có 2.399 ha diện tích đất canh tác rau. Trong đó diện tích rau trong nhà kính 9 ha, diện tích rau trong nhà lưới 1,354 ha, diện tích hoa trong nhà lưới 3 ha. Diện tích tưới tự động trong nhà kính, nhà lưới gần 1,4 ha, diện tích tưới tự động ngoài trời 2.022 ha chiếm 84% diện tích đất canh tác. Bên cạnh đó, xã có 12 vườn ươm giống cây trồng với diện tích trên 16 ha.
Phó Chủ tịch UBND xã Ka Đô khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực nên trong thời gian tới, xã sẽ tập trung chú trọng xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã để hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng sản xuất chuyên canh áp dụng một số khâu công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát huy tối đa lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin