Đà Lạt đang đưa ra nhiệm vụ gắn với việc thực hiện Đề án Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” hiện nay. Một trong các nhiệm vụ đó là thực hiện các giải pháp để chuyển đổi số trong nông nghiệp một cách toàn diện, đồng bộ từ khâu sản xuất, quản lý đến tiêu thụ sản phẩm.
Bài 1: Những hợp tác xã tiên phong chuyển đổi số
Trong nhiều năm nay, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt và HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà Đà Lạt là 2 trong nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân tích cực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số trên địa bàn Đà Lạt.
Điều khiển thiết bị tưới bằng hệ thống phần mềm qua điện thoại thông minh tại HTX Sunfood Đà Lạt |
• LIÊN KẾT VỚI NÔNG DÂN
Thành lập năm 2017 với 7 thành viên, tổng vốn góp 3 tỷ đồng, đến nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt, Phường 8, Đà Lạt đang liên kết với 433 thành viên trong sản xuất với hơn 200 ha đất.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt, bộ máy quản lý sản xuất - kinh doanh của HTX được tổ chức rất gọn nhẹ, gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX; 2 Phó Giám đốc, thêm các thành viên của Ban kiểm soát HTX, kế toán, lái xe cùng 17 nhân viên sơ chế đóng gói sản phẩm và 15 nhân viên canh tác trồng trọt.
Sunfood Đà Lạt lâu nay đã tập trung xây dựng các mô hình chuẩn để phổ biến đại trà đến các hộ nông dân liên kết như canh tác giống mới, áp dụng các kỹ thuật mới như trồng rau trên giá thể, kỹ thuật tưới tiêu bằng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, canh tác thủy canh.
Nhà kính trồng rau của HTX Sunfood Đà Lạt |
“Các thành viên HTX phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt khi canh tác để bảo đảm sản phẩm đạt chuẩn, đạt độ đồng đều, đặc biệt là dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật không được quá giới hạn cho phép; việc thu hoạch cũng phải tuân theo kế hoạch tiêu thụ của HTX” - ông Thạch cho biết.
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến nên sản lượng Sunfood Đà Lạt cũng tăng lên gần đây, bình quân hiện khoảng 3.600 tấn/năm. Đến nay HTX đang cung cấp đến 37 tỉnh, thành trong nước với 600 điểm bán lẻ, đồng thời, bán hàng trên phần mềm ứng dụng Sunfood trên mạng điện tử.
Trong khi đó, cũng liên kết với nông dân nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà Đà Lạt tại thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, Đà Lạt chỉ có quy mô nhỏ hơn với trên 200 hộ dân, tổng diện tích liên kết khoảng 32 ha.
Tuy nhiên, thế mạnh của HTX Vườn Nhà Đà Lạt theo bà Lương Thị Yến Vân, Giám đốc cho biết chính là các loài rau, củ “độc lạ”. “Đó là các loại rau, củ mà chỉ Đà Lạt mới có thể trồng được nhiều, đạt chất lượng yêu cầu như bí mì sợi, bông cải xanh, bông cải hồng, bông cải tím, sú có màu sắc lạ mắt” - bà Vân nói.
Trong quá trình hoạt động những năm gần đây, HTX Vườn Nhà Đà Lạt, theo bà Vân, luôn hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật canh tác mới nhằm đưa chất lượng nông sản ngày càng lên cao, có khả năng xuất vào các thị trường khó tính như siêu thị, chuỗi cửa hàng rau sạch của các thành phố lớn trong nước.
Trong năm 2021, sản lượng của HTX Vườn Nhà Đà Lạt đạt 120 tấn/tháng với doanh thu thuần 800 triệu đồng/năm. Trong năm 2022, sản lượng của HTX đã tăng lên 150 tấn/ tháng, doanh thu của đơn vị cũng tăng lên 900 triệu đồng/năm và trong năm nay theo bà Vân, ước tính sản lượng HTX tăng lên 180 tấn/tháng; doanh thu trong năm nay phấn đấu lên 1 tỷ đồng/ năm, những tháng đầu năm nay doanh thu có tháng đã đạt đến 500 triệu đồng.
Các sản phẩm “độc lạ” của HTX Vườn Nhà Đà Lạt như: cà rốt nhiều màu, súp lơ nhiều màu, khoai tây ruột tím... |
• ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
“Chúng tôi thường xuyên cập nhật và áp dụng những công nghệ và máy móc thiết bị mới, hiện đại để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho kỹ thuật viên và người lao động trực tiếp của HTX” - ông Thạch cho biết.
Chẳng hạn, Sunfood Đà Lạt lâu nay theo ông Thạch, đã giúp các nhà nông liên kết trong HTX cách sử dụng máy châm phân và tưới tự động, giảm 40% chi phí nhân công và thời gian; khuyến cáo và hỗ trợ kỹ thuật để nhà vườn hạn chế, tiến đến không sử dụng phân bón hóa học vô cơ và hóa chất để xử lý đất mà chủ yếu dùng các chế phẩm sinh học hữu cơ trong suốt quá trình làm đất canh tác; áp dụng đúng quy trình sản xuất cho từng đối tượng cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Thạch cũng cho biết, HTX đã ký hợp đồng xây dựng phòng nghiên cứu đất và sản xuất các chủng vi sinh vật có lợi phục vụ từng loại cây trồng, liên kết với các tập đoàn nước ngoài đặt mua các loại giống có chất lượng cao, đa dạng, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng Đà Lạt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Hiện việc chăm sóc vườn của nhiều nhà nông trong HTX đã cơ bản hoàn toàn tự động qua các phần mềm thích hợp, điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh, mọi công việc quản lý sản xuất từ chăm sóc, tưới nước, tưới phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm đều được thao tác trên một ứng dụng đã được cài đặt sẵn chính xác về các chỉ số (như độ EC, PH máy…) chỉ cần thực hiện cài đặt tỷ lệ theo mong muốn rồi phần mềm sẽ chạy đúng với yêu cầu. Hệ thống cũng kiểm soát chính xác độ ẩm, tốc độ gió, hạn chế việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nên sẽ tiết kiệm tối đa nước tưới.
“Các dữ liệu sản xuất của HTX cũng được cập nhật hàng tuần trên trang mạng điện tử, thể hiện rõ quy trình sản xuất rau, củ, quả tại nông trại. Chẳng hạn, màu xanh là cây mới trồng, màu đỏ là cây đang thu hoạch, cho biết luôn ngày xuống giống, ngày thu hoạch của lô vườn” - ông Thạch cho biết.
Với hoạt động tiêu thụ, HTX Sunfood Đà Lạt hiện đang bán hàng trên 4 ứng dụng điện tử, có trang mạng riêng. Trong năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên, như ông Thạch cho biết, trung bình mỗi ngày Sunfood bán từ 10 đến 20 tấn các loại rau, củ, quả; trong năm nay con số bán hàng này có giảm bớt. “Chúng tôi xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh cho HTX và và thành viên nên rất được chú trọng ngay từ khi thành lập” - ông Thạch khẳng định.
Tại HTX Vườn Nhà Đà Lạt, bà Vân cho biết, lâu nay cũng hỗ trợ nông dân liên kết ứng dụng công nghệ, máy móc tiên tiến trong trồng trọt và thu hoạch như hệ thống phun hóa chất thuốc trừ sâu tự động, hệ thống tưới tiêu tự động điều khiển từ xa. Ứng dụng các phương thức trừ sâu bệnh an toàn cho sức khỏe con người và chất lượng sản phẩm như sử dụng thiên địch hoặc đèn huỳnh quang phòng trừ nấm và sâu bệnh gây hại.
Theo bà Vân, toàn bộ sản phẩm do HTX trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đối với rau ăn lá ngắn ngày và theo tiêu chuẩn VietGAP đối với mặt hàng củ, quả. Trong sơ chế và đóng gói rau, HTX sử dụng các thiết bị tiên tiến hiện đại để giảm sức người cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như các thiết bị như máy đóng gói rau, củ, máy hút chân không, máy ràng dây tự động...
Nhờ ứng dụng các kênh truyền thông như facebook, zalo, tiktok, trang điện tử, sàn thương mại điện tử cũng như thông qua các hội thảo, lễ hội để quảng bá sản phẩm, phổ biến thương hiệu nên số lượng khách hàng của HTX, theo bà Vân gần đây đã tăng lên rất đáng kể. Chẳng hạn như trong 4 tháng gần đây từ khi sử dụng sàn thương mại điện tử, bà cho biết HTX đã bán hơn 10 nghìn sản phẩm bán lẻ, tiếp cận hơn 10 triệu lượt khách hàng tham khảo sản phẩm; doanh thu dựa vào việc bán lẻ trong 4 tháng đã đạt hơn 4 tỷ đồng.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin