Đam Rông định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản

NDONG BRỪM 03:17, 25/07/2023

Với tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng và lợi thế diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Đam Rông đã từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường, góp phần quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đam Rông đa dạng hóa các hình thức nuôi trồng thủy sản, từ nuôi lồng bè, nuôi trong ao bạt đến nuôi trong bể…
Đam Rông đa dạng hóa các hình thức nuôi trồng thủy sản, từ nuôi lồng bè, nuôi trong ao bạt đến nuôi trong bể…

Theo ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, thực hiện Kế hoạch số 9878 ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030, huyện Đam Rông đã triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển nuôi trồng thủy sản huyện Đam Rông giai đoạn 2022 - 2030. Mục tiêu được đặt ra là: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh trên cơ sở khai thác diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp nhất là chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn huyện Đam Rông phát triển ổn định, chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy, Đam Rông xác định nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản xuất hàng năm từ 4,5 - 6,0%/năm; giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm tỷ trọng từ 1,3% - 1,5% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 220 ha (trong đó, diện tích nuôi cá nước lạnh đạt 50 ha) với mục tiêu đạt sản lượng 1.100 tấn, trong đó sản lượng cá nước lạnh đạt 700 tấn. Để đạt được mục tiêu trên, huyện Đam Rông đã đưa ra giải pháp đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho 1 cơ sở ương dưỡng giống cá nước lạnh; đảm bảo chủ động 100% con giống phục vụ sản xuất; hình thành 1 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho khoảng 80% sản phẩm cá nước lạnh và 30% sản lượng sản phẩm thủy sản khác.

Đến giai đoạn 2026 - 2030, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản xuất hàng năm từ 5,5-7%/năm; giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm tỷ trọng từ 1,5-2% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong giai đoạn này, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 230 ha (diện tích nuôi cá nước lạnh duy trì 50 ha) với sản lượng thủy sản đạt 1.750 tấn, trong đó sản lượng cá nước lạnh đạt 1.100 tấn. Theo đó, huyện tiếp tục duy trì cơ sở nuôi cá nước lạnh giống bố mẹ và mở rộng, nâng cấp, phát triển các cơ sở sản xuất giống cá truyền thống để đảm bảo đáp ứng khoảng 70% nhu cầu giống phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng, mở rộng 3 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho khoảng 100% sản phẩm cá nước lạnh và 60% sản lượng sản phẩm thủy sản khác. 

Ông Nguyễn Văn Chính cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có 175 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên 9,7 ha, với sản lượng đạt trên 70 tấn/ha/năm. Để phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất, sản lượng nuôi cá nước lạnh, thời gian qua, nhiều nông hộ ở các xã Rô Men, Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long và Liêng S’rônh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích”. 

Để Chương trình Phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Đam Rông được thực hiện theo kế hoạch đề ra, mang lại hiệu quả, an toàn và bền vững; huyện Đam Rông đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và những nội dung cần triển khai thực hiện như: Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống thủy sản mới theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Đối với cơ sở sản xuất giống cá nước lạnh cần nâng cấp, mở rộng các cơ sở sản xuất ương dưỡng, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học và công nghệ mới trong sản xuất.

Về phát triển nuôi trồng thủy sản, cần chuyển đổi các phương thức sản xuất nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa các hình thức nuôi để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sinh thái và phát triển hiệu quả. Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh tại các địa bàn xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi về nguồn nước, nhiệt độ. Bên cạnh đó, huyện Đam Rông quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản theo phương thức thâm canh, ứng dụng công nghệ cao nuôi cá nước lạnh tại các địa phương có điều kiện phù hợp. Hình thành và phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng, sơ chế, chế biến thủy sản để tổ chức liên kết giữa các khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Ngoài ra, huyện còn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; nâng cao năng lực sơ chế, chế biến thủy sản cũng như nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường...