Giống cam cho hơn 50 kg quả trên mỗi cây

NHẬT QUỲNH 05:18, 28/07/2023

Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao, cho năng suất ổn định, không yêu cầu kỹ thuật chăm sóc quá cầu kỳ…; cam cara cara đã và đang trở thành cây trồng được nhiều nông dân ở Đơn Dương lựa chọn đầu tư và phát triển sản xuất. 

Đến năm thứ 4, vườn cam cara của công Chiến cho năng suất, chất lượng ổn định
Đến năm thứ 4, vườn cam cara của công Chiến cho năng suất, chất lượng ổn định

Tham quan vườn cam cara cara (hay còn được gọi là cam cara) của ông Bùi Xuân Chiến tại Thôn 2, xã Đạ Ròn, nhiều người ấn tượng trước vườn cây xanh mát, trĩu quả chín vàng của gia đình. 

Khi được hỏi về nguồn gốc giống cam mà gia đình đang trồng, ông Chiến kể, những năm trước, như nhiều nông dân ở Đơn Dương, gia đình ông đầu tư vào trang trại bò sữa và trồng rau thương phẩm. Song, trong một lần tham quan mô hình trồng cam cara ở Đức Trọng, ông Chiến rất ấn tượng với giống cây này. 

Sau thời gian dài mày mò tìm hiểu thông tin thông qua báo chí, mạng internet cũng như tham khảo ý kiến từ chủ nhân các mô hình trồng thành công, năm 2019, ông mua 240 gốc cam cara về trồng thử trên 2 sào đất của gia đình. Theo ông Chiến, giống cam này yêu cầu người trồng theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu của sâu bệnh, kịp thời vệ sinh vườn, cắt tỉa cành... Đặc biệt, trong các tháng hè, cần chú trọng diệt sâu vẽ bùa để tránh vi khuẩn xâm nhiễm theo vết đục của sâu non. 

Nhờ chịu khó tìm hiểu và linh hoạt áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, đến năm thứ 3, vườn cam của ông Chiến đã cho hơn 30 kg quả mỗi cây và tăng đều vào những năm sau đó. “Với 200 triệu đồng đầu tư ban đầu, hiện nay, mỗi vụ 2 sào cam cho thu hoạch khoảng 5 tấn, với giá bán dao động từ 45 đến 60 nghìn đồng/kg, gia đình thu về hơn 250 triệu đồng”, ông Chiến nói.

Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa (thôn Diom A, xã Lạc Xuân) chuyên cung cấp cây giống chuẩn cam cara tại Đơn Dương, bà Lê Thị Nghĩa - Giám đốc Công ty cho biết: Cam cara là loại cây ngoại nhập, bắt nguồn từ Venezuela. Cam cara có ruột đỏ, không hạt, được lai tạo giữa cà rốt, cam và cà chua. Một trong những đặc tính dinh dưỡng nổi bật của cam cara cara là hàm lượng chất chống oxy hóa (antioxidant) như Lycopene, Carotenoid, Vitamin C cao nên mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, tăng cường chức năng tạo hồng huyết cầu, giảm căng thẳng thần kinh... 

Vì vậy, năm 2020, bà Nghĩa thành lập Công ty Đại Nghĩa và nhập giống cam cara cara từ Úc, nhằm phổ biến và giúp bà con nông dân cải thiện thu nhập. Bà cho biết, cam cara phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20 đến 35 độ C, trồng trên đất cát pha hoặc đất đỏ bazan. Những tiêu chí này hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Lâm Đồng; hơn nữa, loại cây này lại có giá trị kinh tế cao, cho năng suất ổn định. Chính vì những lý do này, những năm qua, bà Nghĩa đã dày công tìm hiểu và tập trung nguồn vốn để nhập giống cây cam cara từ Úc về Lâm Đồng. 

Hiện, Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa đang ươm hơn 45 ngàn cây giống cam cara, tương đương với 70 ha. Cây giống trưởng thành (2,5 tuổi, đã ra quả) được công ty bán 250 nghìn đồng/cây. 

Để cây phát triển và cho năng suất ổn định, bà cho rằng, cam cara không yêu cầu cao về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, cần đảm bảo khoảng cách giữa các cây tối thiểu 4 đến 5 mét, hố rộng 80 cm cũng như độ ẩm của đất. Trong mùa khô hạn, bà con có thể sử dụng rơm rạ, lá cây che phủ và giữ ẩm cho gốc cây. Nếu mùa mưa kéo dài, cần khơi thông dòng chảy, tránh ngập úng. Ngoài ra, bà con cần chủ động làm sạch cỏ dại, cắt tỉa cành hư, cành không hiệu quả… Với các cây được chăm sóc đúng quy trình sẽ phát triển tốt và cho trái sau khoảng 30 tháng.

Một trong những ưu điểm của giống cam ruột đỏ là tuổi thọ cao - khoảng 40 đến 50 năm và cho thu hoạch quanh năm. “Nếu chăm sóc tốt, đến năm thứ 3, một cây cam cara có thể cho khoảng 50 kg, đến năm thứ 4 có thể lên đến 1 tạ/cây”, bà Nghĩa nói. Vì vậy, để nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như nhân rộng diện tích sản xuất cam cara trên địa bàn huyện Đơn Dương nói riêng và toàn tỉnh nói chung, công ty bà Nghĩa đã cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và cam kết thu mua, đảm bảo đầu ra cho bà con. “Giá thu mua của công ty từ 45 nghìn đồng/kg, bán ra thị trường khoảng 55 nghìn đồng”, bà cho biết. 

Trong 10 năm tới, công ty kỳ vọng cung cấp cho bà con nông dân khoảng 600 ngàn cây cam cara giống, tương đương với 1.000 ha. Để đạt được mục tiêu này, bà Nghĩa cho biết, trước mắt, ngoài việc nhập cây giống về chăm sóc, công ty sẽ đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu cũng như phát triển thị trường đầu ra cho bà con nông dân, nhất là thông qua việc hợp tác phân phối với các hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ trên thị trường.

Khi được hỏi về tiềm năng kinh tế của giống cam cara, ông K’Đim - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đơn Dương cho biết, hiện, trên địa bàn huyện, cam cara có tổng diện tích khoảng 3 ha, được trồng nhiều tại các xã Pró, Đạ Ròn. Qua khảo sát, loại cam này phát triển khá tốt tại địa phương, cho năng suất ổn định, có giá bán cao. Đặc biệt, những vùng đồi núi, không thể trồng rau, nông dân có thể trồng cam cara để tận dụng diện tích đất sản xuất. 

Tuy nhiên, Hội cũng khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích ồ ạt để tránh các rủi ro về biến động thị trường cũng như các nguyên nhân khách quan khác. Bà con cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực canh tác; thí điểm trên các diện tích nhỏ, đa canh… để đảm bảo nguồn thu nhập.