(LĐ online) - “Vấn đề quan tâm lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là làm sao tiếp cận được nguồn vốn”, ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, mở đầu chương trình “Cà phê doanh nhân” do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 23/7, với chủ đề Bức tranh tài chính những tháng cuối năm 2023 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngân hàng.
Ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Lâm Đồng phát biểu tại chương trình |
Theo hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng, 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới có nhiều biến động ở các thị trường lớn, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng bị ảnh hưởng mạnh. Dự báo, từ nay đến đầu năm 2024, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh đang là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc đẩy mạnh hỗ trợ về vốn được ví như “liều thuốc” giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi. Nguồn vốn cũng chính là mạch máu duy trì và phát triển doanh nghiệp, để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.Với mong muốn hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hội viên, trong chương trình “Cà phê doanh nhân” tháng 7, Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng đã mời đại diện 2 ngân hàng tham dự, để lắng nghe và chia sẻ những chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cách tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi nhất.
Đại diện ngân hàng BIDV giải đáp các câu hỏi của các doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Đinh Ngọc Đức – Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Lâm Đồng, cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Đồng thời, rà soát, sửa đổi quy định pháp lý về cho vay của tổ chức tín dụng, bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân và doanh nghiệp. Quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay ít nhất khoảng từ 1,5% - 2%; nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Với BIDV, tiếp tục ưu tiên tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tiếp tục rà soát các quy trình, nghiệp vụ, gia tăng hạn mức công nghệ, hạ lãi suất cho vay, tiết giảm các chi phí để giảm thiểu lãi suất cho vay; tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất…
Đại diện ngân hàng SHB giải đáp các vấn đề về vốn |
Còn theo ông Uông Nhật Khoa – Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chi nhánh Lâm Đồng, từ nay đến hết ngày 30/5/2024, SHB dành 5.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, như nông lâm nghiệp, thủy sản, xuất khẩu, sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, các dự án xanh, bổ sung vốn lưu động ngắn hạn, với lãi suất từ 8,97%/năm. Bên cạnh ưu đãi lãi suất, SHB luôn chú trọng tối ưu chính sách hỗ trợ khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận dễ dàng với những giải pháp tài chính của ngân hàng, như đơn giản hóa thủ tục, tài trợ chuyên biệt theo từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, tài trợ trọn gói từ tiền gửi, thanh toán, tín dụng và tài trợ thương mại…
Cũng theo ông Uông Nhật Khoa, thông qua tại trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để hỗ trợ cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ (WSMEs), từ cuối năm 2021 đến nay, SHB đã miễn phí cơ cấu khoản vay, hỗ trợ 6 tháng tiền lãi (đối với khách hàng thuộc diện cơ cấu nợ); tài trợ phí cam kết rút vốn lên đến 8% giá trị khoản vay (đối với các khách hàng vay mới), đồng thời được miễn, giảm toàn bộ các loại phí liên quan… Giá trị khoản hỗ trợ này lên đến 10.000 USD, trích từ nguồn tài trợ của ADB.
Tại chương trình, các doanh nghiệp đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề tài chính và được phía ngân hàng giải đáp đầy đủ.
“Cà phê doanh nhân” là chuỗi chương trình toạ đàm thường kỳ diễn ra hàng tháng của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hội viên. Đồng thời là điểm hẹn kết nối giao thương của doanh nhân trẻ trong và ngoài tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin