Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành Kế hoạch và Đầu tư

LÊ HOA 18:53, 21/07/2023

(LĐ online) - Ngày 21/7, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp  cùng Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tôn Thiện San chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng với sự tham dự của lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo các sở, ban, ngành; và trưởng các phòng chuyên môn thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tình hình thế giới vô cùng phức tạp khiến kinh tế thế giới biến động khó lường, tăng trưởng giảm, lạm phát cao, thắt chặt bảo hộ… tác động đến toàn thế giới. Kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhiều ngành, trong đó FDI, bất động sản… sẽ tác động tiêu cực đến các ngành nghề khác… Nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của thế giới, chúng ta đã có sự phát triển ổn định và tăng trưởng… Tinh thần đoàn kết của ngành Kế hoạch và Đầu tư, năng lực lãnh đạo của ngành từ Trung ương đến địa phương tạo được sự thống nhất với các bộ, ngành. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là bộ tiên phong trong đổi mới, cải cách, sáng tạo, cầu thị... Tuy nhiên, chúng ta không được thoả mãn với kết quả trên, phải bám sát thực tế, làm tốt công tác thống kê, có những nghiên cứu, phân tích, dự báo… cho phù hợp… để xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Đặc biệt, với mục tiêu tăng trưởng 6,5%, mà đến nay mới đạt được 3,2% thì 2 quý cuối năm là một thách thức, vì năm nay là năm bản lề, lấy đà cho các năm sau…

Bộ trưởng đề nghị hội nghị phải trả lời 3 câu hỏi: Khó khăn thách thức chủ yếu hiện nay của nền kinh tế, của doanh nghiệp là gì? Phản ứng của chính sách đối với diễn biến của tình hình thế giới và các nền kinh tế lớn là gì? Đâu là động lực đột phá để tăng trưởng hiện nay và trong trung, dài hạn? Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương phải chú trọng vấn đề quy hoạch, các mô hình kinh tế, giao quyền cho các địa phương trong phân cấp điều hành các dự án…

Báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư về kết quả 6 tháng đầu năm, cho biết: Công tác điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành; 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 142 nhiệm vụ cụ thể của ngành, lĩnh vực… Công tác triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2023, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đổi mới sáng tạo. Công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Công tác quy hoạch, thống kê…

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ được giao nhiều đề án lớn quan trọng. Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đối mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn khuyến khích đổi mới khởi nghiệp, sáng tạo, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước; phần lớn các đề án, phương án, kiến ghị của Bộ đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ trưởng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn được lãnh đạo các cấp đánh giá là Bộ được giao nhiều đề án khó và quan trọng. Trong Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xử lý nhiều đề án, nhiệm vụ nhất trong khối bộ, cơ quan ngang bộ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo Bộ, sự nghiêm túc vào cuộc của các đơn vị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao với chất lượng cao, tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược tổng hợp của Đảng và Nhà nước. Các giải pháp, chiến lược chỉ đạo, điều hành quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, bảo đảm cân đối vĩ mô, các mục tiêu kế hoạch... do Bộ tham mưu đều được các cấp có thẩm quyềm đánh giá cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2023. Bộ cũng đã quyết liệt giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành. Mặc dù là một trong những Bộ nhận được số lượng kiến nghị, đề xuất nhiều nhất, song tỷ lệ giải quyết của Bộ cũng thuộc nhóm có tỷ lệ cao nhất (tính đến ngày 10/7/2023, Bộ đã hoàn tất xử lý 166/177 kiến nghị, (đạt 94%). Với kết quả đó, tại Văn bản số 622/TTg-TH ngày 5/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết liệt, nỗ lực, cố gắng trong rà soát, giải quyết, hướng dẫn, trả lời các kiến nghị, đề xuất được gửi đến; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành và cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đứng đầu các cơ quan ngang bộ về chuyển đổi số

Hội nghị nghe báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và triển khai các dự án đầu tư công; Luật đấu thầu (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi); đồng thời, nghe ý kiến, cũng như các kiến nghị, đề xuất giải pháp và kinh nghiệm từ các địa phương trong công tác tham mưu điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

*

Đối với tỉnh Lâm Đồng, được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nên ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh để chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Qua đó, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đều đạt và vượt kế hoạch. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đã phục hồi sau đại dịch Covid-19 và có bước phát triển khá; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh 6 tháng năm 2023 tăng 5,07%, đứng vị trí trung bình (thứ 39) của cả nước.