Khi Lán Tranh có HTX hữu cơ

VĂN VIỆT 05:54, 19/07/2023

Khu vực Lán Tranh với 6 xã thuộc huyện Lâm Hà vừa đi vào hoạt động Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Thương mại Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Tân Hà, tạo động lực mới phát triển vùng nguyên liệu tập trung các loại nông sản thế mạnh như mắc ca, sầu riêng, cà phê, bơ, dâu tằm, rau, củ, quả, sachi, mật ong...

Canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ ở khu vực Lán Tranh, Lâm Hà
Canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ ở khu vực Lán Tranh, Lâm Hà

Theo ông Nguyễn Đình Quý - Phó Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Tân Hà, chính thức bước vào hoạt động, HTX đã tập hợp 286 thành viên thông qua giải pháp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên 280 ha diện tích đất canh tác gắn với sơ chế, chế biến các loại cây trồng theo quy trình hữu cơ thuộc khu vực Lán Tranh trải dài trên địa bàn 6 xã Tân Hà, Đan Phượng, Liên Hà, Hoài Đức, Tân Thanh và Phúc Thọ. Về mục tiêu chung, HTX phát triển 12 ngành, nghề kinh doanh trong vùng Lán Tranh gồm: Trồng cây có hạt chứa dầu; trồng cây cà phê; chăn nuôi ong; dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, sau thu hoạch; chế biến và bảo quản rau, củ, quả, cà phê, mắc ca, sachi, mè; sản xuất dầu mỡ động, thực vật, thực phẩm từ mật ong; bán buôn thực phẩm từ cà phê, mắc ca, sachi, mè, các loại rau, củ, quả; sản xuất rượu vang chưng cất; vận tải hàng hóa bằng đường bộ. “Toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung, huyện Lâm Hà nói riêng xác định phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững là một trong những khâu đột phá, nhằm phát huy lợi thế các loại nông sản có giá trị kinh tế cao ở địa phương, đồng thời từng bước tái cơ cấu, gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp và dịch vụ; khuyến khích xây dựng mô hình liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị gia tăng, tạo cơ hội cho HTX chúng tôi mở rộng sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ ngay từ giai đoạn đầu...”, Phó Giám đốc Nguyễn Đình Quý trình bày. 

 Cũng theo Phó Giám đốc Nguyễn Đình Quý, để tận dụng cơ hội thị trường tiêu thụ nông sản cho các hộ trong và ngoài thành viên khu vực Lán Tranh với giá cạnh tranh trên thị trường, HTX phải đáp ứng các điều kiện: Ban quản lý HTX tâm huyết với mục tiêu giúp nông dân làm giàu; người nông dân hợp tác với ban quản lý thiết lập chế độ hoạt động tối ưu cho HTX; chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển của HTX. Ông Quý cho biết : “Mục tiêu của HTX giúp hộ thành viên nói riêng, hộ nông dân khu vực Lán Tranh nói chung tập trung đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông sản đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Do đó dù hạch toán lấy thu bù chi, nhưng HTX không đặt lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu của mình...”. 

Cụ thể, HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp, HTX và các tổ chức kinh tế khác để ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới phát triển mô hình trồng cà phê, mắc ca, sầu riêng, rau, củ, quả gắn với tiêu thụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hộ thành viên trong HTX cũng như hộ nông dân trong khu vực Lán Tranh. Trước mắt HTX xây dựng trên quỹ đất chuyên dùng với một kho hàng trữ lượng khoảng 200 tấn phân bón, bên cạnh làm điểm tập kết thu mua, sơ chế, chế biến và cất trữ các mặt hàng nông sản cho thành viên, dự trù kinh phí khoảng 500 triệu đồng. 

Đặc biệt, mỗi năm HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị 20 ha cà phê, sản lượng 100 tấn nhân khô của thành viên; cộng với 50 tấn cà phê nhân khô của hộ sản xuất nhỏ lẻ trong vùng, đơn giá cà phê qua chế biến bình quân đạt 60 triệu đồng/tấn. Nhân với 150 tấn nhân thành tổng doanh thu 9 tỷ đồng/năm. Tiếp theo với 30 ha cây sầu riêng của thành viên thu hoạch 600 tấn, cộng với 200 tấn các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong vùng, nhân với đơn giá 45 triệu đồng/tấn, tổng doanh thu 36 tỷ đồng/năm. Ngoài ra với 5 ha cây mắc ca liên kết với thành viên đạt sản lượng 10 tấn hạt tươi, cộng 5 tấn hạt tươi của nông hộ sản xuất nhỏ lẻ trong vùng, nhân với đơn giá 180 triệu đồng/tấn, thành tổng doanh thu 2,7 tỷ đồng...

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hà Chu Văn Thăng đánh giá, Tân Hà là trung tâm của cụm 6 xã khu vực Lán Tranh, huyện Lâm Hà với độ cao so với mực nước biển từ 800 m đến 1.500 m; khí hậu ôn hòa quanh năm, phần lớn diện tích đất đỏ bazan nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn. Khu vực này còn có đường Tỉnh lộ 724, 725 thông suốt, thuận lợi trong việc giao thương nông sản mỗi ngày. Bởi vậy HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Tân Hà ra đời đáp ứng yêu cầu kết nối giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhằm góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện Lâm Hà phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững, gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác trên địa bàn.