Lâm Đồng - điểm sáng trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

NHẬT QUÂN 05:16, 28/07/2023

Tính đến hết tháng 6 năm 2023, Lâm Đồng đứng trong Top 5 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên (19 tỉnh) về tỷ lệ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) cao; đồng thời, cùng với Quảng Bình và Quảng Ngãi là 3 tỉnh đã ban hành 17/17 văn bản triển khai thực hiện các chương trình này.

Các CTMTQG tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa
Các CTMTQG tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CTMTQG

Theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Lâm Đồng có tổng vốn đầu tư 1.860.220 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước là 1.047.566 triệu đồng, ngân sách địa phương 812.654 triệu đồng. Cụ thể, CTMTQG xây dựng Nông thôn mới 1.213.925 triệu đồng, CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 633.942 triệu đồng và CTMTQG Giảm nghèo bền vững là 12.353 triệu đồng.

Tổng số vốn được bố trí thực hiện CTMTQG giai đoạn 2021 - 2023 là 1.527.457 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 886.942 triệu đồng, ngân sách địa phương là 640.515 triệu đồng. Giá trị giải ngân đến nay được 809.770 triệu đồng, đạt 53% kế hoạch. Trong đó, CTMTQG xây dựng Nông thôn mới 909.245 triệu đồng, giá trị giải ngân là 632.874 triệu đồng, đạt 69,6% kế hoạch; CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 526.096 triệu đồng, giá trị giải ngân đến nay là 166.851 triệu đồng, đạt 31,7% kế hoạch và CTMTQG Giảm nghèo bền vững có vốn đầu tư 92.116 triệu đồng, giá trị giải ngân đến nay là 9.955 triệu đồng, đạt 10,8% kế hoạch.

Kế hoạch nguồn vốn đầu tư công thực hiện CTMTQG giai đoạn 2021-2023, được bố trí là 1.004.493 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 516.201 triệu đồng, ngân sách địa phương là 488.292 triệu đồng; giá trị giải ngân đến nay 732.025 triệu đồng, đạt 72,8% kế hoạch. Riêng năm 2023, vốn đầu tư công được bố trí 446.076 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 274.380 triệu đồng, ngân sách địa phương là 171.696 triệu đồng, giá trị giải ngân đến nay là 249.537/446.076 triệu đồng, đạt 55,9% kế hoạch. 

Tính đến hết tháng 6 năm 2023, Lâm Đồng đứng trong Top 5 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên (19 tỉnh) về tỷ lệ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) cao; đồng thời, cùng với Quảng Bình và Quảng Ngãi là 3 tỉnh đã ban hành 17/17 văn bản triển khai thực hiện các chương trình này.

Lâm Đồng kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới theo hướng đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao; tăng mức chi cụ thể cho hoạt động văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thị trấn; cũng như hỗ trợ cán bộ làm công tác quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; hướng dẫn nội dung hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn vùng nghèo, vùng khó khăn để tỉnh Lâm Đồng có căn cứ triển khai thực hiện; điều chỉnh đối tượng thụ hưởng chưa có đất ở cho phù hợp với quy định mới; đồng thời, sớm vận hành phần mềm giám sát, đánh giá, hệ thống các biểu mẫu báo cáo trực tuyến để các địa phương áp dụng…

• TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP SỬ DỤNG VỐN CTMTQG HIỆU QUẢ

Ngay sau khi Nghị định số 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CT MTQG có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng các nghị quyết, các quy định triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả nhất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên trao đổi thông tin qua nhiều hình thức nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Tỉnh cũng tăng cường công tác phối kết hợp với các bộ, ngành Trung ương trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các CTMTQG tại địa phương và đã có những thay đổi rõ nét, linh hoạt… UBND tỉnh và các ban, ngành cũng đưa ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ; chú trọng đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư tận dụng thời tiết thuận lợi, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, trong đó đề nghị có các giải pháp giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 và các dự án thuộc kế hoạch năm 2022 được kéo dài thời gian giải ngân vốn sang năm 2023, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch trước ngày 31/12/2023.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện các CTMTQG, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hóa, giảm nghèo... đã có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể như, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, riêng hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 92% (tăng 2% so với năm 2020), tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 91%, tăng 0,5%; toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được kết quả nêu trên, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội... còn có sự cố gắng, tham mưu đầy trách nhiệm của Ban Chỉ đạo các CTMTQG và cán bộ, công chức làm công tác theo dõi các CTMTQG các cấp. Đặc biệt là sự phối kết hợp nhịp nhàng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình triển khai thực hiện theo nhiều hình thức (điện thoại, mail, zalo nhóm...) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết... nên việc thực hiện các CTMTQG đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua.