Nâng cao giá trị cho sầu riêng

THÂN THU HIỀN 09:58, 12/07/2023

Để nâng cao giá trị cho sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng sầu riêng, tháng 3/2023, Hợp tác xã Sản xuất thương mại dịch vụ sầu riêng Thành Công (xã Liên Hà, Lâm Hà) đã được hình thành với 13 thành viên.

Ông Bùi Quang Tiến có thu nhập ổn định nhờ trồng sầu riêng
Ông Bùi Quang Tiến có thu nhập ổn định nhờ trồng sầu riêng

Liên Hà ít năm trở lại đây, hình ảnh những vườn cà phê được tô điểm bởi từng vườn dâu xanh tốt, hay cây ăn trái sai trĩu quả. Mục sở thị Hợp tác xã Sản xuất thương mại dịch vụ sầu riêng Thành Công, ông Bùi Quang Tiến - Giám đốc Hợp tác xã bật mí với chúng tôi rằng, với 37 ha đã cho thu của các thành viên, dự kiến năm nay, sản lượng sầu riêng thu được sẽ tăng gấp đôi năm ngoái.

Ông Tiến được các nông hộ ở đây ưu ái gọi là “Tiến sầu riêng” bởi ông là người tiên phong trồng và hướng dẫn, giúp nhiều người dân trong vùng chuyển đổi, làm giàu từ loại cây này. Nói về cơ duyên đưa loại cây ăn trái này về vùng đất Liên Hà, ông Tiến cho hay: Trước đây, gia đình chủ yếu trồng cà phê và tiêu, việc trồng xen sầu riêng cũng chỉ nghĩ là cho vui chứ chưa nghĩ tới thu nhập kinh tế.

Để tiết kiệm công lao động, ngay từ đầu, gia đình ông Tiến đã đầu tư hệ thống tưới tự động, chăm sóc theo hướng hữu cơ, dưỡng cỏ giữ ẩm cho cây và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nhằm đạt năng suất cao nhất. Theo ông Tiến, trồng sầu riêng cần nhiều vốn đầu tư, công chăm sóc nhưng bù lại thu nhập rất cao. Nếu canh tác đúng quy trình kỹ thuật, mỗi cây có thể thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng trong năm khi vào giai đoạn kinh doanh.

“Năm 2013, tôi bắt đầu trồng 60 cây sầu riêng. Sau khi thu bói, và bước vào vụ thu chính, gia đình tôi nhận thấy sầu riêng có thể phát triển tốt, cho thu nhập cao nên dần đầu tư kinh phí, chuyển đổi trồng sầu riêng cho số diện tích còn lại. Đến nay, vườn sầu riêng đã mở rộng hơn 8 ha, trong đó, 4,5 ha đã cho thu ổn định. Hiện, 60 cây sầu riêng vẫn là thu nhập chính và một số diện tích năm nay sẽ bước vào vụ thu đầu tiên. Riêng trong năm 2022, diện tích sầu riêng thu về được gần 18 tấn với giá bán tại vườn là 45.000 đồng/kg” - ông Tiến nói.

Tương tự, với 5 ha sầu riêng được trồng lần lượt trong các năm 2014, 2016 và 2018, đến nay, vườn sầu riêng của ông Bùi Quang Chí (54 tuổi) đã cho thu nhập cao. Ông Chí chia sẻ: “Trước đây, diện tích đó gia đình dùng để trồng và thu hoạch tiêu. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, giá tiêu thấp và không ổn định nên qua học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và người thân, tôi bắt đầu biết đến trồng xen tiêu và sầu riêng. Với tổng diện tích trên, năm 2022, gia đình đã thu về 35 tấn sầu riêng với giá bán tại vườn là 43.000 đồng/kg”.

Theo ông Bùi Quang Tiến, mặc dù sầu riêng là loại cây cho thu nhập cao, tuy nhiên, do thời điểm đầu, việc sản xuất của người dân mới manh mún, sản phẩm chỉ bán theo kiểu cầm chừng. Vì vậy, các thành viên trong hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn từ việc tìm đầu ra đến thống nhất quy trình sản xuất. Trước những vấn đề nan giải này, tôi suy nghĩ và quyết định thành lập hợp tác xã để có tính pháp nhân làm cơ sở liên kết với các doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, hợp tác xã thường xuyên tổ chức các đợt tìm hiểu kinh nghiệm trồng cây ăn trái trong và ngoài tỉnh; chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các chợ đầu mối, thương lái... Cùng với đó, các thành viên tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của địa phương tổ chức để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đặc biệt, hợp tác xã chú trọng tiêu chuẩn sản xuất sạch, kiểm soát chặt chẽ các khâu chọn giống, làm đất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch.

“Để canh tác lâu dài, hợp tác xã tập trung mở rộng diện tích trồng sầu riêng theo hướng sạch và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, phấn đấu từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên. Qua đó, góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương” - ông Tiến giãi bày.

Ông Đào Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, địa phương có tổng diện tích cây ăn quả là 600.4 ha, trong đó, cây sầu riêng là 435,8 ha với diện tích cho thu hoạch là 97 ha. “Hướng đến sự phát triển bền vững, hiện nay, địa phương tiến tới quy hoạch cụ thể các vùng trồng sầu riêng và liên kết với nhau. Đồng thời, xây dựng mã số vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, an toàn. Cũng trong thời gian tới, xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tập trung sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên ồ ạt tăng diện tích mà tập trung chăm sóc tốt vườn cây hiện có để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh rủi ro khi giá cả thị trường biến động” - ông Thủy chia sẻ.