Xây dựng thương hiệu cộng đồng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh làm tăng giá trị của nông sản đặc sản, thúc đẩy tổ chức sản xuất, phát triển thị trường đã được Sở Khoa học và Công nghệ đặc biệt quan tâm trong nhiều năm gần đây.
Xây dựng nhãn hiệu cộng đồng cho nông sản đặc trưng tạo niềm tin cho người tiêu dùng |
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đăng ký xác lập 37 nhãn hiệu cộng đồng; trong đó, 26 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền, 11 nhãn hiệu đã nộp hồ sơ đang đợi cấp chứng nhận. Tỉnh đã đăng ký bảo hộ độc quyền ở nước ngoài cho 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương là thương hiệu “Rau Đà Lạt” tại thị trường Trung Quốc và Singapore, thương hiệu “Trà B’lao” tại thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” cũng đang được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc nhằm phục vụ cho việc xuất khẩu.
Trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng các sở, ngành hỗ trợ các huyện, thành đăng ký xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương và có kế hoạch phát triển thương hiệu. Các đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu đã tổ chức tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo khối lượng cung cấp cho đối tác đúng chất lượng, thời gian cam kết.
Bên cạnh đó, Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm - đã thực hiện phân hạng và công nhận 170 sản phẩm từ 3 - 5 sao. Toàn tỉnh đã có 50/78 đơn vị đã đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP; cùng với 213 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản với sự tham gia của 172 doanh nghiệp, 90 hợp tác xã và 19.701 hộ nông dân. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển nhãn hiệu cộng đồng.
Dễ dàng nhận thấy, một số nông sản thế mạnh sau khi được xác lập nhãn hiệu cộng đồng mang tên địa danh trên sản phẩm đã có ý nghĩa rất lớn, thương hiệu mang tính bền vững cao, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, tạo lòng tin với người tiêu dùng như các nhãn hiệu: rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, cà phê Arabica Cầu Đất, sầu riêng Đạ Huoai, tơ lụa Bảo Lộc…
Qua hoạt động bảo hộ đã phát triển tài sản trí tuệ, kết nối được các hộ nông dân từ sản xuất đơn lẻ thành sản xuất tập trung, góp phần nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm
Điển hình là nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được cấp bảo hộ năm 2017, đến nay UBND TP Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 768 tổ chức, cá nhân, chủ yếu là sản xuất rau, hoa, cà phê. Giá trị thương mại của sản phẩm sử dụng nhãn hiệu ngày càng cao và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” được cấp bằng bảo hộ năm 2015, đến nay đã có 397 hộ nông dân với diện tích sản xuất 507,7 ha theo tiêu chuẩn VietGAP được UBND huyện Đạ Huoai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Sản phẩm được dán tem “Sầu riêng Đạ Huoai” đã từng bước được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, có giá bán cao hơn 15 - 20% so với sầu riêng chưa được dán nhãn, trở thành nông sản chủ lực của huyện.
Đặc biệt, từ năm 2022, tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia “Đăng ký bảo hộ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sầu riêng Đạ Huoai” với kinh phí 3,2 tỷ đồng. Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Lâm Đồng được triển khai thực hiện. Cũng năm 2022, tỉnh đã đặt hàng thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Lâm Đồng” cho sản phẩm cà phê” nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu cho cà phê Lâm Đồng tạo tiền đề để cà phê Lâm Đồng tham gia và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.
Việc xây dựng nhãn hiệu đã khó, nhưng việc quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng còn khó hơn, trong thời gian tới, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng bài bản và bền vững; nâng cao khả năng quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu trên thị trường; thúc đẩy hoạt động quảng bá thương mại cho sản phẩm. Cần gắn những dự án bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp với các chương trình như: Nông thôn mới, OCOP, Phát triển tài sản trí tuệ, Nâng cao năng suất chất lượng… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên chú ý lựa chọn sản phẩm đăng ký và hình thức bảo hộ phù hợp để những sản phẩm được chọn vừa phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, nhu cầu thị trường, có lợi thế xuất khẩu, vừa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giống cây trồng; hỗ trợ các đơn vị, cá nhân sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin