Phúc bồn tử không còn là loại cây trồng mới ở Lâm Đồng. Những người lựa chọn gắn bó với loại cây này vẫn không ngừng tìm tòi những hướng đi mới trong sản xuất và chế biến, mang lại hiệu quả cao. Ông Vũ Văn Minh là một trong số đó.
Ông Vũ Văn Minh bên những bình phúc bồn tử được ngâm để lấy nước cốt |
Ông Vũ Văn Minh trú tại Thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà là người có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2021, khi tìm hiểu để lựa chọn loại cây trồng mới năng suất, chất lượng có giá trị kinh tế, ông đã chọn cây phúc bồn tử để thử nghiệm. Bởi theo ông Minh, đây là loại cây ưa thời tiết mát mẻ, hàm lượng dinh dưỡng cao, sản phẩm chế biến đa dạng. Hiện nay, cây phúc bồn tử chưa được trồng ở nhiều nơi, chủ yếu trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ như Lâm Đồng và một số tỉnh phía Bắc. Sau một thời gian tìm hiểu, ông Minh nhận thấy phúc bồn tử là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng dài, mang lại giá trị kinh tế cao nên ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây phúc bồn tử.
Với 1 ha diện tích, ông Vũ Văn Minh đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để trồng phúc bồn tử. Ông tập trung xây dựng hệ thống nhà kính, hệ thống tưới tự động nhằm tạo điều kiện sinh trưởng tốt cho cây, hạn chế sự xâm nhập của côn trùng gây bệnh. Nguồn giống chủ yếu được nhập về từ Israel với 3 loại giống chính là: phúc bồn tử đen, phúc bồn tử hồng và phúc bồn tử đỏ.
Ông Minh cho biết, mô hình trồng phúc bồn tử của ông được trồng theo quy trình chuẩn VietGAP, sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, sau khi trồng từ 5 - 6 tháng thì bắt đầu thu hoạch. Sau quá trình trồng cho thấy, phúc bồn tử có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của huyện Lâm Hà. Hiện, với 1 ha cây trồng, mỗi tháng ông Minh thu được từ 600 - 700 kg.
Với nhiều hàm lượng dinh dưỡng cao đã được khoa học chứng minh, hiệu quả kinh tế từ loại cây này cao hơn nhiều so với các loại cây khác. Giá bán quả tươi hiện nay dao động từ 150 - 250 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc bán trái tươi, ông Minh còn nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm.
Theo đó, ngoài bán trái tươi, ông còn chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như: nước cốt phúc bồn tử, trà phúc bồn tử, rượu phúc bồn tử để nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Ông Minh chia sẻ quy trình, đối với nước cốt và rượu phúc bồn tử, quả chín sau khi thu hoạch được sơ chế, sau đó bỏ vào bình ngâm với đường phèn theo tỉ lệ 1 kg quả ngâm với 0,6 gam đường, nước cốt thu được khoảng 0,8 lít. Ngâm trong vòng 6 tháng sẽ cho ra nước cốt, sau đó tiến hành lắng ngọt từ 1-2 tháng, quá trình này được thực hiện khoảng 3 lần sẽ thu được nước cốt thành phẩm. Nước cốt phúc bồn tử có hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp cơ thể cải thiện hệ tiêu hóa, chống lão hóa và giúp ngăn ngừa các loại bệnh như ung thư, tiểu đường… Giá bán mỗi loại nước cốt và rượu phúc bồn tử dao động từ 300 - 380 nghìn đồng.
Sản phẩm trà phúc bồn tử được làm từ lá và cuống của quả phúc bồn tử. Sau khi phơi khô sẽ tiến hành đóng gói, năng lực mỗi tháng sản xuất được khoảng 100 kg trà. Trà có vị ngọt, được xem như là một loại thảo dược rất tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch… Mỗi kg trà được làm từ lá cây phúc bồn tử được ông Minh bán ra với giá từ 500 nghìn đồng, còn trà được làm từ cuống cây phúc bồn tử được bán với giá lên đến 1,5 triệu đồng, cho thấy cây phúc bồn tử mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Vũ Văn Minh đã thành lập Công ty Cổ phần GV Việt Nam và giữ cương vị Tổng Giám đốc. Hiện, các sản phẩm phúc bồn tử được bán chủ yếu trên website của công ty, các sàn thương mại điện tử và thông qua các thương lái ở địa phương.
Với hiệu quả cao từ hướng sản xuất này mang lại, trong thời gian tới, ông Vũ Văn Minh dự định sẽ nhân rộng mô hình và mở rộng đầu ra cho các sản phẩm phúc bồn tử đã qua chế biến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin