Thời gian qua, Tổ hợp tác cung ứng tằm con của phụ nữ xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông đã phát huy hiệu quả trong việc vận động hội viên phụ nữ và bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Nhiều hội viên phụ nữ xã Đạ M’rông mạnh dạn chuyển đổi từ bắp, lúa sang trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Đạ M’rông là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đam Rông với trên 95% đồng bào DTTS. Người dân đa số sinh sống bằng nghề nông nghiệp với chủ yếu các loại cây trồng chủ lực của địa phương như: bắp, cà phê, lúa. Nhận thấy các loại cây trồng này mang lại hiệu quả không cao, chị Ma Rương, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đạ M’rông đã mạnh dạn tìm hiểu và chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm. Chị cũng vận động một số chị em trong thôn Đa Xế chuyển sang mô hình phát triển kinh tế mới này. Tuy nhiên, việc mua tằm giống lại gặp khó khăn do ở xa nơi cung cấp, vì vậy được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Hội LHPN huyện Đam Rông, chị Ma Rương đã cùng một số chị em thành lập Tổ hợp tác cung ứng tằm con với 15 thành viên là hội viên phụ nữ xã Đạ M’rông. Đây là Tổ hợp tác cung ứng tằm con đầu tiên của phụ nữ trên địa bàn huyện Đam Rông. Dự án “Tổ hợp tác cung ứng tằm con tuổi từ 1 - 3” của chị Ma Rương cũng vừa đoạt giải Nhất Hội thi Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo, kết nối năm 2023 do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức.
Xuất phát từ tình hình và nhu cầu thực tế, Tổ hợp tác cung ứng tằm con của phụ nữ xã Đạ M’rông đã xây dựng mô hình nuôi tằm con tập trung tại thôn Đa Xế để cung ứng giống tằm con cho hội viên phụ nữ và người dân 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long. Để có kỹ thuật ươm trứng và nuôi tằm con đảm bảo chất lượng, chị Ma Rương đã đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. “Việc cung ứng tằm con tại chỗ giúp giảm chi phí đi lại và thời gian đi lấy tằm giống cho hội viên phụ nữ cũng như người dân. Tằm con được nuôi trong điều kiện thích hợp về thức ăn, ẩm độ, điều kiện vệ sinh sát trùng... theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Sau khi cung ứng giống tằm con, các thành viên Tổ hợp tác hướng dẫn các hộ trồng dâu, chăm sóc tằm theo đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất”, chị Ma Rương - Tổ trưởng Tổ hợp tác cung ứng tằm con cho hay.
Mỗi tháng, Tổ hợp tác cung ứng tằm con của phụ nữ xã Đạ M’rông cung cấp khoảng 30 hộp giống tằm con tuổi từ 1 - 3, giúp các thành viên có thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng.
Hiện, trên địa bàn xã Đạ M’rông có 93 ha trồng dâu được chuyển đổi từ diện tích đất trồng bắp kém hiệu quả và đất trồng lúa một vụ với khoảng 200 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm, phần lớn là hộ đồng bào DTTS. Từ việc thực hiện mô hình phát triển kinh tế mới này, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và dần vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Để hội viên phụ nữ và người dân yên tâm với nghề trồng dâu, nuôi tằm, Tổ hợp tác cung ứng tằm con của phụ nữ Đạ M’rông đang nâng cấp lên thành Hợp tác xã dâu tằm Đạ M’rông để không chỉ cung ứng giống tằm con chất lượng mà còn xây dựng chuỗi liên kết với các hộ chăn nuôi tằm thu mua kén tằm với giá cả ổn định.
“Việc thành lập Tổ hợp tác cung ứng tằm con và nay là Hợp tác xã dâu tằm Đạ M’rông đã tạo ra mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ và ổn định. Qua đó thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất của hội viên phụ nữ cũng như người dân vùng đồng bào DTTS, giúp nâng cao kỹ thuật cũng như thu nhập. Hội LHPN huyện cũng chỉ đạo các Hội cơ sở thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong cán bộ, hội viên phụ nữ để liên kết sản xuất. Hiện, trên địa bàn huyện, ngoài Hợp tác xã dâu tằm Đạ M’rông còn có Tổ hợp tác nuôi heo đen của phụ nữ xã Đạ M’rông và Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm Đạ K’nàng. Hội cũng đang tiếp tục nhân rộng mô hình Tổ hợp tác của phụ nữ ở các xã Liêng S’rônh, Đạ Long, Đạ Tông và Đạ R’sal về trồng dâu, nuôi tằm. Qua đó, từng bước hình thành vùng chuyên canh dâu tằm có năng suất cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và thâm canh theo hướng bền vững, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông cho biết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin