Việc số hộ nghèo cao nhất tỉnh hiện nay là một trong những nút thắt “khó gỡ” trong lộ trình dự kiến về đích huyện nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 của huyện Di Linh.
Người dân Sơn Điền chuyển đổi một phần diện tích đất cằn cỗi sang trồng dâu, nuôi tằm để từng bước giảm nghèo |
• 3.856 HỘ NGHÈO
Chuẩn nghèo đa chiều được áp dụng từ năm 2022 được cho là thách thức với nhiều địa phương khi tỷ lệ hộ nghèo tăng cao. Đó là khó khăn mà hầu hết các địa phương đều gặp phải và Di Linh cũng không ngoại lệ.
Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh khái quát bức tranh toàn cảnh về việc giảm nghèo của địa phương: Số hộ nghèo 3.865 hộ (lớn nhất tỉnh), chiếm tỷ lệ 9,24% (đứng thứ 4 toàn tỉnh). Trong đó, số hộ nghèo đa chiều người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 2.402 hộ, chiếm tỉ lệ 15,08%. Và trong số hộ nghèo hiện nay, Di Linh có ít nhất trên 500 hộ là những hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật… không thể “tự thoát nghèo” và phải trông chờ hoàn toàn từ nguồn lực xã hội.
Huyện Di Linh cũng đã có sự nhìn nhận, đánh giá, phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến số hộ nghèo rất cao ở địa phương và xác định: quan trọng nhất là một bộ phận người dân - chủ yếu là bà con người DTTS vẫn còn mang nặng tư tưởng “thuần nhận”. Nghĩa là sự trông chờ, ỷ lại còn cao. Với bộ phận dân cư này, đất đai - tư liệu sản xuất quan trọng nhất, họ đa phần có đủ và thậm chí có nhiều. Đơn cử như ở xã Sơn Điền, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đánh giá, một người dân ở đây có xấp xỉ 1 ha đất sản xuất. Kỹ thuật sản xuất được hướng dẫn, vốn sản xuất được hỗ trợ, tuy nhiên, người dân chưa thực sự phát huy được giá trị trên mảnh đất của mình. Nguồn thu của bà con đa phần phụ thuộc hoàn toàn vào cây cà phê, song nhiều hộ vẫn duy trì thói quen canh tác cũ (dựa vào tự nhiên), không ứng dụng khoa học kỹ thuật hay phương pháp sản xuất mới, dẫn đến năng suất cây trồng thấp, thu nhập người dân không cao.
Và có lẽ việc đầu tư hỗ trợ kiểu “thuần vật lực” suốt nhiều năm qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận bà con có tư tưởng “thuần nhận”, không chủ động sáng tạo trong lao động, sản xuất...
Nhìn nhận rõ vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Di Linh Đinh Văn Tuấn đã yêu cầu: “Lãnh đạo các địa phương phải nhìn nhận rõ về con số 3.856 - số hộ nghèo lớn nhất tỉnh. Để từ đó có sự suy nghĩ thấu đáo về những vấn đề khó khăn đang đặt ra và trách nhiệm của chúng ta. Có rất nhiều khó khăn đặc thù đòi hỏi không chỉ quyết tâm, nỗ lực mà cả những cách làm đột phá, sáng tạo hơn nữa”.
• “ÁP LỰC” VỀ ĐÍCH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI
Trong bối cảnh huyện dự kiến về đích NTM vào cuối năm 2024, thì vấn đề giảm nghèo bền vững hiện nay đang đặt ra cho huyện Di Linh nhiều “áp lực”.
Nếu như với các tiêu chí khác gồm nhà ở, hạ tầng chỉ cần có nguồn lực, là cơ bản đủ điều kiện để có thể thực hiện được, thì đối với tiêu chí hộ nghèo đòi hỏi phải có thời gian và sự đồng thuận của cả cán bộ và người dân rất cao.
Di Linh còn hạn chế trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn…, 80% dân số Di Linh sản xuất nông nghiệp. Trong đó chủ yếu là cây cà phê. Bởi vậy con đường giảm nghèo của địa phương này chủ yếu là nông nghiệp. Song song với việc nâng cao năng suất cây trồng chủ lực, việc chuyển đổi một phần diện tích, đưa các cây, con có giá trị vào nuôi trồng là điều kiện tiên quyết để giải bài toán thu nhập và hộ nghèo ở khu vực này. Cây dâu, con tằm hiện đang là hướng đi khả thi và được triển khai ở nhiều xã trên địa bàn huyện Di Linh. Tuy nhiên, để triển khai đồng loạt, nhất là trong vùng đồng bào DTTS không phải chuyện dễ và kể cả khi đồng loạt tiến hành thì cũng chưa có kết quả ngay được.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho rằng: Nếu đặc thù địa phương có các khu công nghiệp, người dân đi làm công nhân thì câu chuyện giảm nghèo chắc sẽ nhẹ nhàng hơn. Hoặc nếu bà con Nhân dân trên địa bàn hiểu và chọn phương án đi xuất khẩu lao động thì có lẽ yếu tố về thu nhập cũng khả quan. Tuy nhiên, bà con đồng bào DTTS trên địa bàn đa phần chỉ lựa chọn sống theo phương thức cũ, nghĩa là trông chờ hoàn toàn vào vườn, rẫy và phương thức sản xuất thuận tự nhiên nên việc giảm nghèo của địa phương gặp nhiều khó khăn. Bởi sản xuất nông nghiệp cần nhiều thời gian để có kết quả và phụ thuộc nhiều vào yếu tố kỹ thuật sản xuất, thời tiết, giá cả thị trường…
Giảm nghèo bền vững không phải chuyện “một sớm, một chiều” và huyện Di Linh đang thực hiện nhiệm vụ còn lắm gian nan này với phương châm: “Hộ nghèo tự lực vươn lên, cộng đồng giúp đỡ, Nhà nước hỗ trợ”. Ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực một phần, còn người dân cần xóa bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” để cùng chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện. Giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Quyết tâm chính trị cao của huyện Di Linh về việc về đích huyện NTM cuối năm 2024 đã được thể hiện rõ trong việc địa phương này ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng đề án chi tiết về xây dựng NTM. Đề án nhìn nhận rõ khó khăn nhất định của từng địa phương để tập trung nguồn lực phối hợp, hỗ trợ thực hiện. Lãnh đạo huyện Di Linh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là các xã khó khăn như Bảo Thuận, Sơn Điền, Gia Bắc… Và “Ngày thứ Bảy vì NTM” đã trở thành hoạt động thường xuyên, rộng khắp được người dân các địa phương đón nhận và thực hiện. Tuy nhiên, Di Linh có thể về đích NTM nhưng cũng có thể lỡ hẹn cuối năm 2024. Địa phương cần chuẩn bị kịch bản cho trường hợp này. Bởi sự lùi lại mốc thời gian về đích sẽ là cần thiết nếu điều đó đảm bảo sự bền vững trong các tiêu chí và đảm bảo nâng cao đời sống của người dân…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin