(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kế hoạch số 6963/KH-UBND ngày 10/8/2023 về việc tổ chức Hội nghị Hợp tác Kinh doanh và Đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ (Hội nghị). Hội nghị do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức trong ngày 31/8/2023, tại Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng - Số 10 Lê Hồng Phong.
- Trong năm 2023, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ có nhiều hoạt động quảng bá ở Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng. Ảnh IndiaInVietnam. |
Với mục đích, cụ thể hóa chính sách thúc đẩy quan hệ song phương không ngừng phát triển toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ; tăng cường quan hệ song phương về thương mại, kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung và giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ nói riêng. Thúc đẩy cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Ấn Độ: cà phê, trà, rau, củ, quả,... Giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh và một số dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đến các nhà đầu tư Ấn Độ.
Hội nghị tạo cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, phát triển tour - tuyến du lịch giữa doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp Ấn Độ. Thông qua chương trình để giới thiệu và quảng bá đến các doanh nghiệp, nhà phân phối Ấn Độ về nhãn hiệu, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với các sản phẩm: Rau, Hoa, Cà phê Arabica, Du lịch canh nông và các sản phẩm OCOP,... đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho tỉnh Lâm Đồng; qua đó, giúp các doanh nghiệp, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn, chất lượng và tránh được sự nhầm lẫn giữa các sản phẩm cùng loại khác.
Song song với Hội nghị Hợp tác Kinh doanh và Đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ sẽ là Chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương bên ngoài Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng - Số 10 Lê Hồng Phong, với sự tham gia của 20 - 25 doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, 16 - 20 doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên và các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ. Các sản phẩm hàng hóa dịch vụ phục vụ hoạt động xúc tiến và kết nối phải đảm bảo đầy đủ thông tin về số lượng, chất lượng, khả năng cung ứng, giá cả, phương tiện vận chuyển, phương thức thanh toán, kỹ thuật sản xuất, nguồn gốc xuất xứ,...
Các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm mang Thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, rau củ quả, hoa, dược liệu, rượu vang, tiểu thủ công nghiệp, cà phê Arabica và tài liệu giới thiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch; bản đồ quy hoạch, bản đồ danh mục kêu gọi đầu tư của một số dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và quảng bá hình ảnh địa phương. Doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm: trà, cà phê, sản phẩm OCOP... Các doanh nghiệp tự giới thiệu và trao đổi thông tin B2B; đàm phán, thỏa thuận và ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ khảo sát một số dự án kêu gọi đầu tư, các doanh nghiệp thương mại, du lịch và các trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh Lâm Đồng; kết nối các doanh nghiệp Lâm Đồng, doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên với các doanh nghiệp lớn, nhà phân phối của Ấn Độ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin