Việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện mạng lưới này còn gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt và đồng bộ.
Đoàn khảo sát thực địa tại xã Đạ Lây - nơi dự kiến quy hoạch Khu công nghiệp Nam Lâm Đồng |
Năm 2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 118 về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; trong đó điều chỉnh quy hoạch thành 14 CCN với diện tích 653,65 ha. Qua triển khai thực hiện, đã loại bỏ khỏi quy hoạch 4 CCN gồm CNN Lộc Tiến, TP Bảo Lộc; CCN Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh; Hà Lâm, huyện Đạ Huoai và CCN Tân Châu, huyện Di Linh với tổng diện tích 236,6 ha; đồng thời, bổ sung quy hoạch CCN Tam Bố, huyện Di Linh với diện tích 30 ha.
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng chia sẻ thông tin, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 10 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích quy hoạch sau khi điều chỉnh là 352 ha. Riêng CCN Lạc Dương, diện tích 30 ha có tên trong Quyết định số 118 nhưng chưa được chấp thuận vị trí quy hoạch. Mặt khác, về thành lập, mở rộng CCN, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 6 CCN gồm CCN Gia Hiệp, huyện Di Linh; CCN Ka Đô, huyện Đơn Dương; CCN Lộc Phát, TP Bảo Lộc; CCN Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm; CCN Phát Chi, TP Đà Lạt và CCN Đinh Văn, huyện Lâm Hà với tổng diện tích 6 CCN đã thành lập là 199,4 ha.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh không thành lập CCN nào; đồng thời, có 1 CCN đề xuất mở rộng là CCN Đinh Văn, huyện Lâm Hà, mở rộng thêm 2,82 ha (diện tích đất đã giao cho Công ty Thái Hòa) từ 34,37 ha lên 37,19 ha. Đây là đề xuất trong Phương án số 01 của UBND huyện Lâm Hà về Phát triển CCN trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được các cơ quan chức năng xem xét tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định.
Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được 1 nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm là Công ty TNHH Đại Đức. Còn lại 9/10 CCN chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, do UBND các huyện, thành phố quản lý, giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng (đối với huyện), Trung tâm Phát triển quỹ đất (đối với TP Đà Lạt) đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, khu công nghiệp nhằm chuyển đổi mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN từ ban quản lý dự án cấp huyện sang doanh nghiệp, hợp tác xã có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Cùng với đó, tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào CCN và hạ tầng thiết yếu trong CCN để thu hút đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh chưa có CCN nào do chính quyền địa phương quản lý được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung. Riêng CCN Lộc Thắng do Công ty TNHH Đại Đức xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải khoảng 46 hầm ga lớn, nhỏ.
Riêng đối với các dự án thứ cấp hoạt động trong CCN, đã có 35 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký hoạt động trong 6 CCN đã được thành lập và CCN Tam Bố. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 31 dự án đang hoạt động, được chấp thuận chủ trương đầu tư (trong đó 8 dự án FDI); 4 doanh nghiệp, đơn vị ngưng hoạt động, với tổng diện tích cho thuê, đăng ký là 87,49 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 51,52%; tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án là 2.043,12 tỷ đồng và 21,83 triệu USD; tổng số lao động trong các CCN đăng ký là 2.459 người. Riêng 3 CCN còn lại là Đạ Oai, Lộc An, Đạ R’Sal chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, chưa thu hút được dự án đầu tư thứ cấp. Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm 2023, không thu hút thêm được nhà đầu tư thứ cấp nào.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, về xây dựng phương án phát triển CCN, Sở Công thương đã triển khai, đôn đốc và tổng hợp đủ phương án phát triển CCN của 12 huyện, thành phố và nghiên cứu đề xuất vào phương án phát triển CCN tỉnh; đồng thời, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2023.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tập trung phối hợp các sở, ngành, địa phương làm việc với chủ đầu tư hạ tầng CCN nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho từng CCN; phối hợp UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, rà soát đối với chủ đầu tư hạ tầng CCN không đủ năng lực, chậm triển khai dự án theo quy định, tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi chủ trương đầu tư. Riêng đối với các khu vực đã có CCN được đầu tư hạ tầng, Sở Công thương đề nghị UBND các huyện, thành phố giới thiệu, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào CCN, nhằm tạo điều kiện sớm lấp đầy các CCN. Chủ động tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với CCN trên địa bàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin