Với niềm đam mê dành cho cây cối cùng gần 100 giống ớt khác nhau hiện có, anh nông dân Lê Tiến Dũng tại Tổ dân phố 4D, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp hạt và cây ớt giống cho thị trường; đồng thời, chế biến trái tươi thành tương ớt, sa tế, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP.
Anh Lê Tiến Dũng (áo xanh) giới thiệu các loại giống ớt khác nhau đến người xem |
Góp mặt tại không gian giao lưu, kết nối nông sản trong khuôn khổ Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo cụm Tây Nguyên vừa diễn ra, khu trưng bày “các sản phẩm từ giống ớt cay nhất thế giới” của anh Lê Tiến Dũng nhận được sự chú ý, quan tâm và dùng thử của nhiều người. Các loại ớt với đa dạng màu sắc, hình dáng như: Thor’s Thunderbolt, Big Mama Mustard, Yellow Reaper, Carolina Reaper, Adrenaline,... cùng sản phẩm tương ớt, nước chấm do anh Dũng tự chế biến mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người dùng thử.
Những sản phẩm này là thành quả của 3 năm miệt mài tìm hiểu, sưu tầm và mày mò nhân giống của chàng nông dân 9X. Anh Lê Tiến Dũng cho biết: “Vốn đam mê các giống ớt, ban đầu, tôi chỉ có ý định mua ớt Aji Charapita về trồng để làm gia vị cho bữa ăn gia đình, không ngờ lại được nhiều người quan tâm. Tôi nhận ra cũng có rất nhiều người muốn trồng các loại ớt mới lạ nhưng lo ngại không tìm được cây giống chuẩn, bản thân tôi cũng bị lừa nhiều lần khi đặt mua giống cây trên mạng. Từ đó, tôi nhận ra tiềm năng của thị trường là rất lớn, miễn sao sản phẩm của mình đủ chất lượng để xây dựng uy tín lâu dài”.
Theo anh Dũng, ớt Chỉ thiên, ớt Sừng, ớt Hiểm hay ớt Huế... có độ cay dao động trong khoảng 800- 30.000 SHU (là thang đo độ cay của ớt, đơn vị nhiệt Scoville). Trong khi đó, các loại ớt như Carolina Reaper, Trinidad Moruga Scorpion... có độ cay lên tới 2.200.000 SHU. Bên cạnh đó, khách hàng ngày càng quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là phương pháp trồng hữu cơ, không sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu.
Hiện, trong vườn nhà anh Dũng đã có gần 100 giống ớt các loại. Những giống độc lạ được anh sưu tầm, sau đó nhân giống và bán lại cho khách hàng trên toàn quốc. Ngoài hạt giống, cây giống, anh còn cung cấp cây trưởng thành, trái ớt tươi và các sản phẩm tự làm. “Muốn cây phát triển tốt, thì cần chú ý nhất là bộ rễ cây phải được khỏe mạnh. Muốn vậy, dinh dưỡng cho cây phải được đầu tư bằng phân trùn quế trộn với đất. Ngoài ra, cần chủ động nguồn nước tưới, do ớt ưa nắng, tránh mưa” - anh chia sẻ.
Khi sản lượng trái thu được nhiều hơn, anh nghĩ làm cách nào để chế biến và bảo quản được hương vị của những trái ớt tươi. Và các sản phẩm tương ớt, sa tế mang tên Đạ Tẻh được ra đời vào năm 2021. Ban đầu, những sản phẩm này được anh Dũng tặng kèm với đơn hàng bán hạt giống, cây giống để giới thiệu với khách hàng. Nhận được nhiều phản hồi tích cực, anh mở rộng chế biến và đưa ra thị trường. Hiện, các sản phẩm này chủ yếu được bán trên nền tảng facebook, tiktok và các sàn thương mại điện tử như lazada, shopee,... với sản lượng mỗi tháng 400-600 chai. Đồng thời, đang trong quá trình đăng ký sản phẩm OCOP.
Hiện, anh Dũng đang trồng ớt trên diện tích 1.200 m2 ở thị trấn Đạ Tẻh. Bên cạnh đó, anh còn liên kết trồng thêm 200 m2 trong nhà kính ở Di Linh và liên kết với hộ đoàn viên tại địa phương trồng 400 m2 ngoài trời để đủ lượng ớt tươi phục vụ cho việc chế biến tương ớt, sa tế và cung cấp ớt trái tươi cho thị trường.
Doanh thu năm 2022 của anh Dũng bao gồm bán hạt giống, cây giống, ớt tươi và các sản phẩm từ ớt đạt hơn 333 triệu đồng, lợi nhuận thu về hơn 233 triệu đồng. Tổng doanh thu 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 200 triệu đồng, lợi nhuận hơn 136 triệu đồng.
Chàng nông dân trẻ bày tỏ, trong thời gian tới, anh mong muốn sẽ tiếp tục phát triển thêm sản phẩm ớt khô để đưa ra thị trường ngoài nước, cũng như có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu ở trong nước. Để làm được điều này, hiện, anh đang làm việc với Phòng Nuôi cấy mô của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, dự kiến tới cuối năm sẽ cho ra những lứa cây giống đầu tiên với tỉ lệ đồng đều lên đến 99%, đảm bảo chủ động nguồn giống có chất lượng tốt.
Vừa qua, dự án “Trồng và chế biến các sản phẩm từ giống ớt cay nhất thế giới theo hướng hữu cơ” của anh Lê Tiến Dũng đã giành giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2023 do Tỉnh Đoàn tổ chức. Anh chia sẻ, điều này càng thúc đẩy thêm niềm tin cũng như tiếp thêm động lực, giúp anh tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin