Liên kết trồng lá cảnh vùng xa Hòa Bắc

DIỆP QUỲNH 06:42, 01/08/2023

Hòa Bắc, xã vùng xa của huyện Di Linh vốn nổi tiếng với những vườn cà phê xanh ngắt. Cùng cây cà phê, nhiều nông hộ đã chuyển đổi cây trồng, tìm thêm những giống cây mới cho thu nhập cao hơn. Và đặc biệt, người nông dân đã chủ động liên kết, nâng cao sản lượng, bảo đảm chất lượng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, giữ vững thị phần cho cây lá cảnh.

Anh Đào Quyết Thắng (phải) trong vườn trầu bà
Anh Đào Quyết Thắng (phải) trong vườn trầu bà

Chị Nguyễn Thị Ngần, Thôn 10, xã Hòa Bắc là nông dân chính hiệu. Chị vừa trồng cà phê, vừa đi làm thuê vào mùa nông nhàn. Từ 2 năm nay, chị Ngần tham gia vào liên kết trồng cảnh lá ngay trên địa bàn xã Hòa Bắc. Trên mảnh đất 2 sào, chị Ngần làm nhà lưới đơn giản, trồng tùng nho, trầu bà. Với quy mô 7 ngàn cây/sào, hàng tuần chị Ngần cắt lá theo kế hoạch. Chị Ngần chia sẻ: “Là chú Thắng, cô Chi vận động nhà tôi trồng lá cảnh. Nhà lưới đơn giản nên chi phí không cao, chỉ có giá cây là khá cao, khoảng 20 ngàn gốc, mất tầm 250 triệu tiền giống. Cô chú đầu tư giống cho gia đình, thu lá trừ dần nên cũng nhẹ vốn. Sau 2 năm, nhà tôi đã thu hồi hết chi phí đầu tư, giờ đang có thu tầm 20 - 25 triệu/tháng”.

“Chú Thắng, cô Chi” trong lời nhắc của chị Nguyễn Thị Ngần chính là đôi vợ chồng nông dân trẻ Đào Quyết Thắng - Nguyễn Kim Chi ở Thôn 10, xã Hòa Bắc. Xuất phát điểm từ người nông dân, mày mò tìm kiếm cây trồng và “va” phải cây cảnh lá, từ diện tích thử nghiệm ban đầu chỉ có 2 sào, hiện tại, anh chị đã có gần 4 ha nhà kính, nhà lưới chuyên trồng cây lấy lá và cây hồng môn. Hầu hết các loại cảnh lá phổ biến trên thị trường, anh chị đều cung cấp đầy đủ. Từ trầu bà Nam Mỹ, tùng nho, trầu bà thanh xuân..., nhà vườn anh chị vừa cung cấp cây nguyên chậu, vừa cung cấp lá cắt trang trí. Và đặc biệt, anh chị đã tạo nên một liên kết trồng - bao tiêu sản phẩm với 25 nông hộ quanh xã Hòa Bắc, với thu nhập ổn định cho các thành viên liên kết.

Anh Đào Quyết Thắng chia sẻ, trồng cảnh lá phù hợp với đất Di Linh do khí hậu mát ổn định, chỉ cần làm nhà lưới hạn chế mưa, giảm ánh sáng là cây sẽ to, thân cứng, lá xanh. Ngành lá Lâm Đồng vốn được thị trường ưa chuộng, vì vậy anh phá bỏ dần cà phê chuyển sang trồng lá và đã có được thị phần ổn định. Anh Thắng cũng tâm sự, nhu cầu của thị trường với cảnh lá mỗi ngày mỗi tăng, cá nhân gia đình anh không đáp ứng được hết yêu cầu của khách hàng và vì vậy, anh thuyết phục bà con xung quanh cùng trồng lá cảnh và thu mua với giá hợp lý. 

Anh Đào Quyết Thắng đánh giá: “Trồng lá cảnh cần nhà lưới nhưng đầu tư đơn giản, không tốn kém nhiều, chủ yếu là tiền giống khoảng 130 triệu đồng/sào. Nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ thu được khoảng 15 triệu đồng/tháng/sào, sau 15 - 18 tháng là nông dân thu hồi được vốn. Tham gia liên kết trồng lá với gia đình tôi có 25 hộ, diện tích khoảng 5 - 6 ha và đang có nhiều hộ đăng kí tham gia thêm”. Anh Thắng cho biết, bà con tham gia liên kết sẽ được gia đình cung ứng giống trả chậm, trừ dần khi thu lá. Đồng thời, anh cung cấp kỹ thuật cho bà con, đưa lịch thu hoạch đúng ngày, chủng loại để bà con chủ động trong sản xuất. Anh Thắng chia sẻ: “Khi phát triển thêm diện tích, dù của gia đình hay của hộ liên kết, chúng tôi cũng phải tính toán rất kỹ về đầu ra. Tất cả phải được lên kế hoạch từ chủng loại lá, thời gian thu hoạch, đảm bảo cho nông dân không bị ế hàng. Vì vậy mà 2 năm nay, mọi nông dân trồng lá cùng gia đình đều có thu nhập ổn định và có xu thế mở rộng diện tích”. Để giảm bớt gánh nặng giống cảnh lá, anh Thắng còn tự mua hạt, tự nhân giống trong vườn ươm. Bởi vậy, giống từ vườn ươm do anh cung cấp cho nông dân chỉ 18 - 19 ngàn đồng/cây so với giá 35 ngàn đồng/cây trên thị trường.

Chị Nguyễn Kim Chi, người chịu trách nhiệm đầu ra chia sẻ, càng nhiều nông hộ tham gia liên kết, đa dạng lá, sản lượng dồi dào, người nông dân càng có tiếng nói trên thị trường. Chị Chi tâm sự: “Khi hàng của mình ít, mình buộc phải phụ thuộc vào thương lái, giá cả rất khó kiểm soát. Còn khi mình có nhiều mặt hàng, chủ động được sản lượng, mình có thể trực tiếp làm việc với các đối tác lớn, có thể thương lượng được về sản lượng và giá cả. Đồng thời, khi liên kết càng rộng, diện tích đất có, nhiều đối tác còn gợi ý những mặt hàng mới, mặt hàng được ưa chuộng. Đây là lợi ích của cả chúng tôi và nông dân tham gia liên kết, đó là tăng sức mạnh của nông dân trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản”.

Ông Ngô Văn Cảnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc đánh giá, mô hình trồng lá cảnh - liên kết nông dân của gia đình anh chị Đào Quyết Thắng - Nguyễn Kim Chi là một mô hình hiệu quả, giúp nhiều nông hộ trong xã có thêm cây trồng mới cho thu nhập tốt. Anh chị là những nông dân trẻ, hiện đại, làm kinh tế giỏi, đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, vốn, giống cho nông dân, là một điển hình của nông dân hợp tác làm giàu chính đáng.