Nâng mức tín dụng ưu đãi cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn

PHẠM LÊ 16:33, 29/08/2023

(LĐ online) - Việc nâng mức tín dụng ưu đãi cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn từ giúp các hộ vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn có thêm nguồn lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. 

Theo Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg, ngày 5/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTG ngày 8/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, từ 8/8/2023, mức cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ sản xuất, kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn vay vốn tối đa 100 triệu đồng, với lãi suất chỉ còn 9%/năm và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật, được vay vốn tối đa là 1 tỷ đồng/tổ chức.

Đối tượng được vay vốn là các hộ gia đình theo quy định của pháp luật (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm tại vùng khó khăn. Người vay vốn không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

Người vay vốn không có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình: Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Chương trình cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo quy định của pháp luật về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có); Các chương trình tín dụng cho vay khác đối với hộ gia đình để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (nếu có).

Việc nâng mức tín dụng ưu đãi cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn từ 50 triệu đồng (trước đây) lên 100 triệu đồng từ ngày 8/8 giúp các hộ vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn có thêm nguồn lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.