(LĐ online) - Sáng ngày 25/8, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @Nông nghiệp, chủ đề “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh phát biểu tại Diễn đàn |
Tham dự Diễn đàn có đại diện các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông và nông dân các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng…
Theo đó, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đến nay đã hỗ trợ cấp 13 giấy Chứng nhận sản xuất hữu cơ hơn 63 ha, đạt 32,5% kế hoạch. Đồng thời các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã chủ động nhân rộng sản xuất và được cấp 22 giấy Chứng nhận hữu cơ tổng diện tích gần 1.352 ha.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh Lâm Đồng hàng năm sử dụng 281.097 tấn thân, lá cây bắp và 6.200 tấn phụ phẩm từ các nhà máy chế biến nông sản làm thức ăn chăn nuôi; 211.191 tấn vỏ cà phê ủ làm phân bón; 4.725 tấn phụ phẩm từ các vườn ươm cây giống rau các loại dùng làm giá thể; hơn 866.000 tấn chất thải rắn sử dụng cho các mô hình chăn nuôi tuần hoàn…
Đại biểu trình bày tham luận tại Diễn đàn |
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết thêm, giai đoạn 2019 – 2021, Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam còn chủ trì, triển khai 4 mô hình sản xuất rau hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị tại các tỉnh Lâm Đồng, Hòa Bình, Đồng Nai và TP Hà Nội. Mặc dù năng suất đạt thấp hơn ngoài mô hình từ 20 - 30% nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10 - 15%. Các HTX và hộ dân còn tự mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ thêm khoảng 10 ha/điểm mô hình/năm…
Định hướng trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tăng cường nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới có khả năng chống chịu với dịch hại, phù hợp với quy trình canh tác hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời đảm bảo tính đồng bộ gắn kết giữa các trang trại, doanh nghiệp, góp phần phát triển ổn định, bền vững trong chuỗi sản xuất và bảo vệ môi trường...
Đại biểu tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Công ty cổ phần CP Việt Nam tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng |
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh từ sau Diễn đàn này phải nhận thức đầy đủ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất thông thường; không có quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ như cách gọi lâu nay. Cụ thể hơn, nông nghiệp hữu cơ sản xuất được cấp Chứng nhận theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, nên sản phẩm cần bảo vệ nhận diện, tránh nhầm lẫn đối với thị trường tiêu thụ...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin