Hướng tới sản xuất nông sản sạch, an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, việc sử dụng các biện pháp sinh học trong phòng, chống sâu bệnh gây hại, trong đó việc nuôi thả thiên địch là biện pháp hữu hiệu xây dựng một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Sử dụng thiên địch quản lý dịch hại cây trồng tạo ra nông sản sạch, đẹp |
Trong tự nhiên luôn tồn tại các loài thiên địch giúp kiềm chế các loài vi sinh vật, sinh vật gây hại, tạo sự cân bằng trong môi trường sinh thái. Canh tác nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất quá lâu sẽ làm mất cân bằng tự nhiên. Mong muốn xây dựng nền nông nghiệp sạch, Công ty Dalat Hasfarm đã tiên phong trong việc ứng dụng thiên địch phòng trừ sâu hại cây trồng. Từ việc nghiên cứu đánh giá, phân tích các tác nhân gây hại, vi sinh vật gây bệnh trên cây trồng và từ đó tìm các thiên địch có sẵn trong tự nhiên để nhân nuôi. Bắt đầu năm 2014, Dalat Hasfarm đã phát triển các loại côn trùng có lợi, khắc chế các loại côn trùng gây hại, giảm thiểu dư lượng hóa chất trên các loại hoa, rau khác nhau.
Đồng hành cùng nông dân sản xuất thuận theo tự nhiên, Công ty đã đầu tư quy trình công nghệ sản xuất các loài thiên địch, thực hiện các giải pháp canh tác an toàn. Đến nay, Dalat Hasfarm đã sản xuất 11 loài thiên địch với tổng số hơn 100 tỷ cá thể, không chỉ sử dụng trên diện tích canh tác của Công ty, mà sản phẩm đã được giới thiệu, chuyển giao rộng rãi đến nông dân trong tỉnh và các vùng lân cận. 70% sản phẩm được sử dụng sản xuất, 30% bán ra thị trường. Qua đó Công ty đã giảm 65% thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất.
Trong đó có thể kể các sản phẩm: Bio Ambly-C, Bio Ambly-S, Bio Ambly-M (có tên khoa học là Amblyseius sp.) là những loài bọ săn mồi được sử dụng để kiểm soát sinh học dịch hại các loại bọ trên một số cây trồng trong nhà kính; Bio Hypo (tên khoa học Hypoaspis miles), Bio Phyto-P (tên khoa học Phytoseiulus persimilis là loài nhện bắt mồi chuyên kiểm soát ấu trùng ruồi, nhộng nấm, ký sinh trùng, bọ trĩ, nhện đỏ hại cây trồng...
Ngoài ra, các thiên địch bắt mồi như nhện Amblyseius cucumeris; Amblyseius swirskii; Phytoseiulus persimilis… đã được nhiều nông dân sử dụng trong quản lý bọ trĩ, nhện đỏ hại rau, hoa mang lại hiệu quả trên cây ớt ngọt, giảm 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật. Dalat Hasfarm hiện đang tiếp tục phổ biến chuyển giao các sản phẩm thiên địch với các doanh nghiệp, nông dân sản xuất rau theo hướng công nghệ cao ứng dụng các loài nhện bắt mồi trên để quản lý bọ trĩ, nhện đỏ trên cây hoa cúc, ớt chuông và rau thủy canh. Việc sử dụng thiên địch khác nhau ở các giai đoạn khác nhau của cây trồng và từng đối tượng gây hại khác nhau nên đã giảm đáng kể việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng nằm trong danh mục cho phép và ít ảnh hưởng đến sức sống của thiên địch.
Chị Nguyễn Như Thủy (Xóm 3 Kim Phát, xã Bình Thạnh, Đức Trọng) cho biết, từ cách đây 3 năm chị biết đến và sử dụng các sản phẩm thiên địch của Công ty Dalat Hasfarm cho vườn ớt chuông rộng 2 ha. Chị đã mua 5 loài thiên địch bọ săn mồi, nhện bắt mồi với các tên thương mại Ambly-C (47 hũ), Ambly-M (21 hũ), Ambly-S (26 hũ, 6.850 túi), Hypo (70 hũ), Phyto (23 hũ) rải ra vườn và dạng túi treo, đã kiểm soát ấu trùng bọ trĩ, trứng và ấu trùng bọ phấn, trứng của nhện đỏ hai chấm. Cơ chế tác động của loài nhện bắt mồi là dùng miệng chọc thủng vào cơ thể con mồi và hút hết dịch trong cơ thể của chúng, làm cơ thể con mồi tê liệt, chết khô từ trong trứng. Kết quả đã kiểm soát tốt dịch hại, hiệu quả kéo dài, bền vững, tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, chất lượng nông sản, cây phát triển toàn diện, tạo ra sản phẩm sạch, đẹp.
Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và chất kích thích sinh trưởng, phun thuốc trừ sâu đã thành thói quen; việc sử dụng thiên địch vẫn còn mới mẻ và lạ lẫm với đa số nông dân. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và nông nghiệp hữu cơ, việc đẩy mạnh ứng dụng thiên địch trong quản lý dịch hại cần được quan tâm và khuyến khích nhân rộng. Để việc sử dụng thiên địch đạt hiệu quả và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đòi hỏi người nông dân phải từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, tập quán canh tác, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, ít độc hại, các biện pháp thủ công, vật lý cơ giới để vừa khống chế dịch hại đồng thời bảo vệ được thiên địch nhân thả, kiểm soát dịch bệnh, vì sức khỏe con người và môi trường sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin