Trao ''cần câu'' cho người nghèo

VIỆT QUỲNH 03:28, 21/08/2023

Với sự hỗ trợ từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, nhiều mô hình sinh kế thiết thực, phù hợp đã được trao cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đam Rông. Từ đó giúp bà con có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Được hỗ trợ nong, né và giàn sắt, anh Tre K’Xuyên mạnh dạn chuyển đổi 2 sào đất trồng bắp kém hiệu quả sang trồng dâu để nuôi tằm
Được hỗ trợ nong, né và giàn sắt, anh Tre K’Xuyên mạnh dạn chuyển đổi 2 sào đất trồng bắp kém hiệu quả sang trồng dâu để nuôi tằm

HƯỚNG ĐẾN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Từ năm 2022, UBND huyện Đam Rông đã triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã: Đạ M’rông, Đạ Long, Đạ Tông, và Liêng S’rônh. Với tổng kinh phí 4 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đề án hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với các xã còn lại trên địa bàn huyện.

Đề án đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện từ 2 - 2,3%, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2021 - 2025). Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 6,5% và dưới 2% vào cuối năm 2030. Đồng thời, giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo hàng năm xuống dưới 10% so với tổng số hộ nghèo, cận nghèo trong năm. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Đam Rông không còn xã đặc biệt khó khăn.

Xuất phát từ tình hình, điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của người dân, năm 2022, Đề án đã hỗ trợ các mô hình sinh kế gồm trồng dâu, nuôi tằm và vật dụng nuôi tằm; trồng cây ăn trái xen cây cà phê; nuôi heo đen và làm chuồng trại.

Theo số liệu từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông, trong năm 2022, huyện đã thực hiện cấp phát giống heo đen cho 91 hộ với 546 con heo giống, kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ giống cây sầu riêng và phân bón cho 95 hộ với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ làm chuồng và heo giống cho 44 hộ với kinh phí 660 triệu đồng; hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm cho 38 hộ với kinh phí 570 triệu đồng.

• ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA NGƯỜI DÂN

Tại xã Đạ M’rông, với số vốn 1 tỷ đồng từ Đề án, đã có 39 hộ được hỗ trợ nuôi heo đen; 9 hộ được hỗ trợ dụng cụ chăn nuôi tằm; 195 hộ được hỗ trợ giống cây sầu riêng và phân bón. Theo ông Lơ Mu Ha Kim - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đạ M’rông, công tác bình chọn hộ thụ hưởng được làm tốt từ thôn, đảm bảo các tiêu chí và công khai, dân chủ, phù hợp với tình hình thực tế cũng như nhu cầu của người dân tại địa phương. Bên cạnh việc hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cán bộ khuyến nông cùng các đoàn thể xã và Ban Nhân dân thôn còn thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các hộ thụ hưởng chương trình. 

Là một trong những hộ dân được hỗ trợ nong, né và giàn sắt để nuôi tằm, từ đầu năm đến nay, gia đình anh Tre K’Xuyên (thôn Liêng Krắc 2, xã Đạ M’rông) đã nuôi được 4 vụ tằm. 2 sào đất trước đây chỉ trồng bắp nay xanh màu lá dâu. Anh K’Xuyên chia sẻ: “Vì mới nuôi, chưa có nhiều kinh nghiệm, dụng cụ cũng chưa đủ nên mỗi đợt, tôi chỉ nuôi 2,5 lạng tằm con. Nếu nuôi đạt thì tôi thu được 5 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình tôi có chi phí ăn uống, trang trải cuộc sống thay vì phải nợ quán rồi đợi đến mùa thu cà phê mới trả được như trước”. Hiện, anh đang mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi thêm tằm. 

Tương tự, đầu năm 2023, chị Cil K’Đa (thôn Mê Ka, xã Đạ Tông) được hỗ trợ 6 con heo đen để nuôi. Đến nay, đàn heo đang sinh trưởng tốt. Chị cho hay: “Trước đây, gia đình tôi cũng đã nuôi heo nhưng do dịch bệnh nên chết hết. Bây giờ thì được hỗ trợ giống khỏe, tôi cũng được cán bộ khuyến nông hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn để đảm bảo heo không bị bệnh”. Năm 2023, xã Đạ Tông tiếp tục được phân bổ hỗ trợ mô hình sinh kế cho 50 hộ. Dựa trên khảo sát nhu cầu của người dân, xã đã đề xuất huyện hỗ trợ máy cày cho 16 hộ dân, máy tưới cho 11 hộ và dụng cụ trồng dâu, nuôi tằm cho 23 hộ. Anh Cil Ha Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đạ Tông phấn khởi nói, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo tại địa phương đến cuối năm nay hứa hẹn sẽ giảm mạnh, bởi có “điểm tựa”, người dân có thêm động lực nuôi trồng, thu nhập từ đó dần tăng lên và mang tính bền vững, ổn định.

Theo ông Nguyễn Quốc Hương - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông, hiệu quả lớn nhất mà các mô hình sinh kế mang lại là đã từng bước thay đổi nhận thức của bà con, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. “Để giảm nghèo bền vững, không gì đảm bảo hơn ngoài ý thức chủ động của người dân. Xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, cùng với sự hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư lẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt từ Nhà nước, bà con tại huyện Đam Rông đã mạnh dạn, tự tin phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của địa phương” - ông Nguyễn Quốc Hương khẳng định.

Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông đã có cuộc họp với lãnh đạo 4 xã: Đạ M’rông, Đạ Long, Đạ Tông và Liêng S’rônh để đánh giá hiệu quả các mô hình, rút kinh nghiệm, từ đó tìm các phương án thích hợp để tiếp tục phân bổ nguồn vốn năm 2023, đảm bảo phát huy tốt nhất số vốn được hỗ trợ. Với tổng kinh phí 3 tỷ 340 triệu đồng, năm 2023, Đề án tiếp tục hỗ trợ cho 167 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 4 xã, trong đó ưu tiên tập trung hỗ trợ phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm.