(LĐ online) - Với việc chuyển đổi các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại bắp sinh khối, nông dân ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương nói riêng và các vùng nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng nói chung đã có thêm giải pháp gia tăng thu nhập từ chăn nuôi đàn gia súc hàng năm.
Đồng bắp sinh khối SSC 586 có thể canh tác mỗi năm 3 vụ trên địa bàn các huyện phụ cận Đà Lạt |
Bắp sinh khối được thu hoạch toàn bộ thân, lá, và trái bắp trong thời điểm chín sáp để băm nhỏ làm thức ăn cho gia súc. Giai đoạn trồng, chăm sóc và thu hoạch bắp sinh khối trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng các vùng nông nghiệp phụ cận Đà Lạt và chỉ trong 90 ngày trồng đạt năng suất 60- 70 tấn/ha, ước lợi nhuận khoảng 90 triệu đồng/ha. Anh K’Bril ở thôn Kambutte, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cho biết, hộ gia đình anh vừa bước vào thu hoạch 2.500 m2 diện tích trồng bắp sinh khối giống SSC 586, đạt sản lượng theo kế hoạch 60 - 70 tấn/ha/90 ngày vừa nêu.
Trên diện tích này trong vụ mùa trước đó, gia đình anh K’Bril cũng trồng và thu hoạch bắp sinh khối giống cũ, thời gian kéo dài 120 ngày/vụ, năng suất chỉ bằng 70% giống bắp sinh khối mới SSC 586. Như vậy giống bắp sinh khối cũ, hộ gia đình anh K’Bril chỉ trồng được 2 vụ/năm; giống bắp sinh khối mới SSC 586 trồng đến 3 vụ/năm. “Giống bắp sinh khối cũ, hộ gia đình chúng tôi chỉ trồng 2 vụ/năm, còn lại thời gian luân canh các loại rau màu khác. Đến nay, giống bắp sinh khối mới SSC 586 được ngành Nông nghiệp huyện Đơn Dương phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam chuyển giao kỹ thuật có kết quả, hộ gia đình chúng tôi quyết định chuyên canh mở rộng 7.000 m2 với 3 vụ mỗi năm. Qua đó thu hoạch sẽ góp phần chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò thịt cao sản thương phẩm chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình của mình… ”, anh K’Bril nói.
Hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kambutte, xã Tu Tra, anh K’Bril thống kê sau gần 7 năm chuyển đổi từ các diện tích cây cà phê già cỗi, lúa 1 vụ…, toàn thôn này đang phát triển 12 ha bắp sinh khối phuc vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó, tính riêng đàn gia súc toàn thôn Kambutte đến cuối tháng 7 với gần 380 con bò thịt cao sản, 175 con trâu, trong khi diện tích trồng bắp sinh khối làm thức ăn thô xanh tại chỗ mới đáp ứng khoảng 60% khối lượng so với nhu cầu. Còn lại 40% khối lượng thức ăn thô xanh cho gia súc trong thôn phải mua thêm các loại cỏ voi và bắp sinh khối trồng ở các địa phương khác trong huyện Đơn Dương.
Với nguồn thức ăn thô xanh chế biến từ cây bắp sinh khối, đàn bò thịt cao sản của nông hộ K’Bril ở thôn Kambutte, xã Tu Tra tăng trọng nhanh hơn |
Mặc dù chưa đủ diện tích trồng bắp sinh khối để cung cấp thức ăn thô xanh tại chỗ đảm bảo khối lượng theo quy mô chăn nuôi của mình, nhưng hộ gia đình anh K’Bril trong 4 năm qua, mỗi năm xuất chuồng bán trung bình 10 con bò thịt cao sản, trọng lượng mỗi con trung bình 600 - 650kg. Bởi vậy, “từ nay đến cuối năm 2023, chúng tôi vận động nông dân trong thôn Kambutte tiếp tục bố trí 10 ha diện tích luân canh bắp sinh khối SSC 586 với các loại hoa màu khác, từng bước tăng thêm khối lượng thức ăn thô xanh đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi gia súc của người dân trên địa bàn…” - Trưởng thôn Kambutte K’Bril nêu mục tiêu trước mắt.
Ở phạm vi rộng hơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương Nguyễn Hữu Vũ nhận định: “Vụ đầu tiên năm 2023, giống bắp sinh khối SSC 586 trồng tại vùng nông nghiệp xã Tu Tra cho thấy phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác. Cây có bộ rễ chân kiềng, không ngã đổ. Thân cây to, phát triển thẳng tắp, trái bắp có hạt đồng đều. Không phát hiện sâu bệnh trên cây bắp. Hội Nông dân xã Tu Tra có kế hoạch giới thiệu nông dân nhân rộng diện tích bắp sinh khối gắn với xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc an toàn, đạt giá trị kinh tế cao hơn…”.
Kỹ sư nông học của Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam, anh Nguyễn King cho biết, giống bắp sinh khối SSC 586 bắt đầu trồng mô hình thành công từ năm 2021 tại địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà với diện tích 3 ha. Đến nay giống bắp sinh khối SSC 586 đã mở rộng lên tổng diện tích lên đến 100 ha với 50 hộ sản xuất tập trung các vùng nông nghiệp Tu Tra (Đơn Dương), Tân Văn (Lâm Hà), Hòa Lạc (Di Linh), Liên Nghĩa (Đức Trọng). Trong đó hộ sản xuất ít diện tích nhất với 5.000 m2; nhiều diện tích nhất với 3 ha. “Giống bắp sinh khối SSC 586 trồng chuyên canh tại các huyện Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà mỗi năm 3 vụ, cây thu hoạch làm thức ăn thô xanh với nhiều chất dinh dưỡng cho các loại gia súc, đặc biệt đối với bò sữa và bò thịt, đem lại lợi nhuận gia tăng hàng năm cho người chăn nuôi…”, kỹ sư Nguyễn King thông tin.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin