Đất Tân Lạc, vùng cà phê xưa, nay đã đa dạng hóa cây trồng, với nhiều đổi thay rõ rệt. Một nông hộ đang tích cực thay đổi giống cây trồng, đa dạng hóa nguồn thu, đồng thời thu hút những người xung quanh cùng làm giàu.
Ông Võ Ngọc Hải tỉa bông giấy |
Ông Võ Ngọc Hải, nông dân xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm đang vào vụ tỉa nụ, dưỡng cây cho vườn hoa giấy của gia đình. Hàng ngàn chậu bông giấy các màu, các dáng của ông đang phát triển tốt giữa mùa mưa cao nguyên. Ông Hải cho biết, hoa giấy vốn là loài hoa được cư dân miền Tây Nam Bộ chưng vào vào dịp tết nguyên đán như một truyền thống. Từ quê nhà Bến Tre đến Bảo Lâm định cư từ năm 1988, nhận thấy khí hậu Tân Lạc nắng nhiều, phù hợp với cây bông giấy, ông quyết định trồng cung cấp cho thị trường. Đất mới đãi người, cây bông giấy bén rễ và ngày càng phát triển trên cao nguyên.
Người nông dân cao nguyên canh tác loài hoa xứ đồng bằng chia sẻ, bông giấy là loại bông rất dễ tính, dễ chăm, ít sâu bệnh hại. Với màu sắc đa dạng, vàng, hồng, đỏ, cam..., bông giấy cỡ nhỏ, trồng chậu được bà con mua về chưng tết khá nhiều do màu sắc đẹp, phù hợp với không khí xuân. Vì vậy mỗi năm, gia đình ông trồng và cung ứng ra thị trường tết từ 5 - 7 ngàn chậu. Theo ông Hải, thị trường hoa giấy thay đổi thị hiếu liên tục. Những màu được thị trường ưa chuộng như màu xác pháo, trắng, vàng, hồng phớt và hiện tại, thị trường thích cây bông được ghép đa dạng màu sắc, có từ 3 - 5 màu sắc/gốc.
Bởi vậy, ông Hải liên tục cải tiến màu, nhập thêm những màu mới xuất hiện để ghép, đảm bảo người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Phôi ghép là giống hoa giấy Mỹ lá nhỏ, vốn được trồng phổ biến ở Việt Nam, đã thuần khí hậu, sức sống tốt, nhanh lớn, dễ sống. Trên phôi gốc, ông tiến hành ghép các mầm có màu sắc đa dạng. Ông Hải chia sẻ, ông chọn trồng những chậu hoa vừa phải với mức giá trung bình từ 300 - 600 ngàn đồng/chậu vào vụ tết, thường được bà con chọn lựa nhiều, dễ tiêu thụ. Vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, gia đình ông Hải cung ứng ra thị trường xấp xỉ 6 ngàn chậu, với giá 400 - 500 ngàn đồng/chậu.
Không chỉ có hoa giấy, ông Võ Ngọc Hải còn là người đang song song duy trì vườn sầu riêng truyền thống xen Thái. Ông cũng chia sẻ, vườn sầu riêng truyền thống được ông trồng từ lâu, là giống sầu riêng hạt ghép cho trái cơm sữa, thơm đậm, vị ngọt béo nhưng hạt to. Bởi vậy, ông tiến hành cải tạo vườn sầu riêng, lựa 200 cây thích hợp cưa bỏ, ghép vào chồi sầu riêng Thái. Vụ sầu riêng năm 2023, cả 200 cây đã bắt đầu cho trái bói, ông chỉ để lại 1 - 2 trái/cây để dưỡng cây khỏe. Dự tính niên vụ sau, vườn sầu riêng sẽ cho sản lượng cao hơn. Còn một phần diện tích, ông vẫn để sầu riêng hạt truyền thống. Ông Hải đánh giá: “Trồng sầu riêng Thái cho thu nhập cao hơn, trái to, bán được giá hơn nhưng kỹ thuật chăm sóc rất vất vả. Vì vậy, tôi vẫn duy trì một phần diện tích sầu riêng hạt vì cây khỏe, ít phải chăm sóc, chi phí đầu tư ít và vẫn có lượng khách hàng ưa trái sầu riêng dạng này. Duy trì song song cả hai giống sầu riêng giúp nông dân không quá phụ thuộc vào một loại cây, bớt rủi ro. Sầu riêng hạt tôi bán được giá 22 ngàn đồng/kg, cũng là nguồn thu rất ổn định”.
Ông Võ Pháp Luật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lạc cho biết, không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Võ Ngọc Hải còn là một hội viên tích cực, là tổ trưởng của Tổ hợp tác Trồng hoa - trái cây của xã. Bắt đầu từ ông Hải, thu hút thêm một số bà con ở xung quanh trồng cây bông giấy, cải tạo vườn sầu riêng, vườn bơ, năm 2018 có 7 nông hộ lân cận đã thành lập tổ hợp tác, cùng chia sẻ kỹ thuật, đầu ra cho cây bông giấy, cây sầu riêng và cây bơ. Như bản thân ông Võ Ngọc Hải, nhiều kỹ thuật đã được ông hướng dẫn cho thành viên trong tổ như kỹ thuật ép nước cây bông giấy để ra hoa đúng vụ tết hay kỹ thuật ghép sầu riêng, cải tạo sầu riêng hạt sang sầu riêng Thái, Ri6. Trong tổ hợp tác, các thành viên hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật. Vào mùa thu hoạch sầu riêng, thương lái tới mua có thể cùng thỏa thuận giá chung, cắt sầu riêng với sản lượng lớn nên bà con dễ bán, thương lái cũng dễ mua. Cũng bởi vậy, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, hỗ trợ người nông dân khá nhiều trong quá trình thay đổi giống cây trồng. Những thành viên trong tổ hợp tác đều là những nông dân giỏi, chăm chỉ lao động, áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ và đều là những nông dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Tân Lạc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin