Trồng nấm đông cô không cần nước

DIỆP QUỲNH 03:17, 22/08/2023

Nấm, một loại thực phẩm phổ biến, được thị trường Việt ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong bữa ăn hàng ngày là một sản phẩm nông nghiệp quan trọng. Ở vùng sâu Tà Hine, một doanh nghiệp với cái tên rất đẹp - Ngọc Bích đang cho ra đời những cây nấm đông cô có giá trị dinh dưỡng cao bằng phương pháp trồng khô.

Ông Tằng Tổ Phong bên nhà nấm đông cô
Ông Tằng Tổ Phong bên nhà nấm đông cô

TRỒNG NẤM KHÔNG CẦN NƯỚC

Giữa những ngày mưa ở thôn B’Liang, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, những người công nhân đang thu hoạch nấm đông cô, còn được gọi là nấm hương. Thứ nấm có màu nâu nhạt, mũ nấm tròn, dày là một trong những thực phẩm có dinh dưỡng cao, không thể thiếu được trong ẩm thực chay cũng như trong nhiều món ăn truyền thống hàng ngày. 

Chị Võ Thị Huỳnh Như - quản lý của doanh nghiệp vừa đưa khách tham quan, vừa giới thiệu: “Công ty TNHH Nấm Ngọc Bích đặt ở thôn B’Liang, xã Tà Hine chuyên sản xuất nấm đông cô. Đức Trọng là vùng sản xuất nấm khá nổi tiếng, với các loại nấm phổ biến như bào ngư, nấm mèo, linh chi… nhưng nấm đông cô thì Công ty Ngọc Bích tự hào là đơn vị áp dụng công nghệ sản xuất lớn, với sản phẩm nấm có chất lượng”.

Chị Huỳnh Như chia sẻ, kỹ thuật sản xuất nấm đông cô của Công ty Ngọc Bích khá lạ. Nấm là loài rất ưa nước, trồng nấm đòi hỏi phải tưới đều đặn mỗi ngày nhưng riêng nấm đông cô của công ty áp dụng kỹ thuật trồng khô. Ngọc Bích trồng nấm đông cô theo kỹ thuật trồng khô, không tưới nước trong suốt quá trình sinh trưởng của nấm. Chị Như cho biết, vụn gỗ, dăm gỗ cao su được công ty mua về, sơ chế, phối trộn dinh dưỡng rồi đóng thành các khúc như khúc gỗ, hấp khử trùng rồi cấy meo. Sau quá trình cấy meo, ủ cho ra sợi, xếp lên các giá sắt cho sợi nấm phát triển, hoàn toàn không tưới nước. Chị Huỳnh Như cung cấp: “Chúng tôi xếp các bịch lên giá và để phát triển tự nhiên, không tưới nước trừ khi trời quá nắng nóng, nhiệt độ cao nhiều ngày. Sau khoảng 60 ngày, công nhân sẽ thực hiện chích nước để nấm nảy chồi”.

Kỹ thuật “chích nước” trên nấm đông cô là dùng một cây kim dài có nhiều lỗ, chích dọc thân bịch phôi để nước ngấm vào bịch từ bên trong. Khi thân bịch ngậm đủ nước, nấm nảy chồi và sau 7 ngày, khi mũ nấm đạt đủ độ lớn, chân nấm nhỏ lại thì được thu hoạch. Đây là kỹ thuật trồng nấm khác hẳn với các loại nấm khác được trồng phổ biến ở Đức Trọng khi hoàn toàn không tưới hàng ngày cho nấm. Sau 15 ngày từ khi thu hoạch đợt 1, công nhân chích nước đợt 2 để tiếp tục thu hoạch. Bịch nấm đông cô được thu hoạch 5-6 lần trong vòng 3 tháng và sau đó, nấm giảm năng suất, công ty loại bỏ để thay vào lứa nấm mới. Một vòng đời nấm từ khi đóng bịch tới khi thu hoạch xong là 6 tháng.

Chị Huỳnh Như cho biết thêm, bịch nấm được bọc bằng vật liệu tự hủy, khi nấm mọc lên sẽ tự xé bịch để chui ra, rất an toàn và bảo vệ môi trường. Và cung cách đóng bịch cũng tương tự như khúc cây khô với những cây nấm mọc chi chít, y hệt điều kiện sống của cây nấm đông cô trong hoang dã.

• MONG MUỐN ĐƯA CÂY NẤM VỀ NHÀ DÂN

Là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, kỹ thuật trồng nấm đông cô của Ngọc Bích đến từ những kỹ sư, chuyên gia nông nghiệp của Trung Quốc, vùng đất nổi tiếng với nghề trồng nấm. Ông Zeng Zufeng - Tằng Tổ Phong - Tổng Giám đốc công ty là người rất tha thiết với nghề trồng nấm. Ông chia sẻ, vùng Tà Hine, Đức Trọng rất thích hợp với cây nấm đông cô khi có nhiệt độ ở mức vừa phải, không khí trong sạch, không ô nhiễm. Theo ông, cây nấm đông cô là loại nấm được thị trường rất ưa chuộng, người nông dân có thể dễ dàng trồng và cung cấp nấm để xây dựng kinh tế gia đình. Ông cho biết: “Vùng đất này thật lành với cây nấm và tôi tha thiết để xây dựng làng nấm ở đây. Nhiều vùng nông thôn quê hương tôi, nông dân đã vươn lên với cây nấm và tôi cũng sẵn sàng truyền nghề trồng nấm cho người nông dân Tà Hine”. 

Chị Ma Thơ Nài, công nhân trong Công ty Nấm Ngọc Bích cho biết, cán bộ kỹ thuật của công ty luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật trồng nấm, hướng dẫn rất cụ thể, tận tình từng chi tiết. Nếu sau này có điều kiện, chị cũng sẽ làm nhà để thử trồng cây nấm này. Hiện tại, chị cũng như 30 người lao động trong doanh nghiệp được nhận lương cũng như các chế độ đầy đủ, yên tâm làm việc.

Hiện, năng suất nấm của Công ty Nấm Ngọc Bích là 500 kg/ngày. Nấm thu mua vừa bán tươi trên thị trường, liên kết cung cấp cho các doanh nghiệp nấm cũng như phơi khô để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc. Nấm thu hoạch được bảo quản trong kho lạnh với nhiệt độ từ 1-3 độ C, sau đó được vận chuyển tới các đối tác. Còn phơi khô, công ty sử dụng giàn phơi trong nhà kính, đảm bảo cây nấm được phơi trong điều kiện tối ưu, giữ lại nhiều dưỡng chất và màu sắc đẹp nhất.

Ông Tằng Tổ Phong còn bật mí, vào mùa khô cuối năm, khi đất Tà Hine nổi gió, mặt cây nấm nứt nẻ, tạo thành những vệt hoa văn lẫn lộn. Đây chính là thứ nấm đông cô được khách Đài Loan ưa chuộng với cái tên là nấm hoa cô, có giá cao hơn nấm đông cô bình thường. Và giữa vùng đất Tà Hine, ông vẫn nuôi ước mơ xây dựng được một làng nấm, nơi những người nông dân gắn bó với cây nấm, làm giàu từ cây nấm đông cô.