Xã dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

DIỄM THƯƠNG 06:17, 09/08/2023

Là vùng có đông dân cư người dân tộc thiểu số K’Ho, kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng nhờ sớm thay đổi nhận thức, mạnh dạn tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăm chỉ làm ăn, cộng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Đảng và Nhà nước, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm đã nhanh chóng thoát nghèo, trở thành vùng đất ngày một phát triển.

Lộc Nam đang ra sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Lộc Nam đang ra sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

Hơn chục năm trở lại đây, tổng nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho xã Lộc Nam lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhờ sự quan tâm đầu tư này, hệ thống điện, đường, trường, trạm, hạ tầng kinh tế và bộ mặt nông thôn đã có sự đổi thay rõ nét. Những căn nhà tranh, vách nứa ngày nào giờ đã được thay bằng những ngôi nhà xây kiên cố, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. 

Là một người dân tộc thiểu số K’Ho, đã từng trực tiếp cầm súng tham gia bảo vệ thành quả cách mạng ngay trên mảnh đất này, ông K’Dĩnh, 80 tuổi, ở Thôn 4, xã Lộc Nam vui mừng cho biết, cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng bao đời nay đã được đẩy lùi ra khỏi từng căn nhà, bếp lửa. Đời sống của bà con ở buôn làng đã khấm khá lên rất nhiều. Nhà nào cũng có của ăn, của để. Ông K’Dĩnh chia sẻ: “Trước đây, đường sình lầy đi lại rất khó khăn, giờ đường sá khang trang đi lại thoải mái lắm. Đời sống kinh tế thì đã yên ổn, nhà nào cũng có phương tiện đi lại, có một số hộ còn mua sắm ô tô. Kinh tế, đời sống thì trước khó khăn, giờ nhờ biết tính toán làm ăn nên không còn cảnh nghèo đói. Nhà cửa cũng đều đã xây dựng đàng hoàng rồi. Giờ không lo gì nữa, chỉ chăm chú làm ăn để làm giàu lên thôi. Hiện, phần lớn bà con có thu nhập mỗi năm vài trăm triệu chứ không ít đâu!”. 

Từ chỗ vài trăm hộ dân tộc thiểu số K’Ho sinh sống, đến nay, Lộc Nam đã phát triển dân cư lên hơn 3.400 hộ, 13.000 khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ phù hợp phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như: chè, cà phê, sầu riêng, măng cụt, mắc ca và một số loại cây ăn trái khác, Lộc Nam đã hình thành các vùng sản xuất ổn định với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp lên đến hơn 5.000 ha. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đạt doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, cá biệt có mô hình trồng sầu riêng đạt 2 tỷ đồng/năm. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là thế mạnh đang được xã Lộc Nam chú trọng phát triển với tổng đàn gia súc lớn gồm: bò, dê, lợn lên đến gần 3.400 con và 34.000 gia cầm, thủy cầm các loại. 

Đáng chú ý, Lộc Nam cũng đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, với mức thu nhập bình quân hiện đã đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Nhờ đó, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt kết quả vô cùng ấn tượng, từ 30% số hộ nghèo vào năm 2015 đến cuối năm 2022 chỉ còn 6%. 

Ông K’Châu, người dân tộc thiểu số K’Ho ở Thôn 3, xã Lộc Nam cho rằng, có được kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, trong đó phải kể đến các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đã tạo nên đòn bẩy quan trọng giúp người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, chăm lo làm ăn và xây dựng cuộc sống mới. 

Không chỉ đời sống kinh tế phát triển, mà tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của xã Lộc Nam luôn được giữ vững. Đặc biệt, người dân đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết và chiến tích của vùng căn cứ cách mạng, mối quan hệ xã hội giữa đồng bào Kinh và người dân tộc thiểu số K’Ho đã càng thêm bền chặt, tình làng nghĩa xóm càng được phát huy. 

Theo ông Võ Thiên Bình, Chủ tịch UBND xã Lộc Nam, ngay khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, Lộc Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải tiếp tục đảm bảo nâng cao chất lượng của các tiêu chí. Muốn làm được điều đó, cán bộ, đảng viên, Mặt trận và các đoàn thể phải luôn chủ động sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước, kết hợp với huy động đa dạng mọi nguồn lực sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và sự đóng góp, chung sức, đồng lòng của Nhân dân. Trong đó, nội dung then chốt là nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm của người dân, nhất là với bà con là người dân tộc thiểu số. Ông Võ Thiên Bình nói: “Trong quá trình thực hiện liên kết, thành lập các tổ hợp tác tiêu thụ nông sản đã giúp bà con yên tâm ổn định đời sống. Từ đó, giúp cho kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực”. 

Cùng với tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, Lộc Nam đang huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, phát triển thêm các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy canh tác của người dân, cộng với sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tin rằng Lộc Nam sẽ đạt được xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024 như mục tiêu đã đề ra.