Ông K’Siêng, một người có uy tín thôn Liêng Đơng (Phi Liêng, Đam Rông), đã tâm huyết, dành gần nửa cuộc đời góp phần đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với người dân vùng đồng bào DTTS. Kiên trì và khéo léo, ông từng bước giúp bà con thay đổi suy nghĩ, cách làm trong cuộc sống cũng như phát triển sản xuất. Nhờ đó, diện mạo vùng Phi Liêng ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện.
Giản dị và chất phác, ông K’Siêng ngày ngày vẫn cần mẫn lao động, phát triển kinh tế, làm gương cho bà con noi theo |
Từ tốn bước ra từ vườn cà phê, trong bộ quần áo làm vườn sờn cũ, ông K’Siêng niềm nở tiếp đón khách. Dù đã ở ngưỡng tuổi 70 xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn không ngừng lao động, hàng ngày bám nương, bám rẫy, chăm sóc vườn cà phê, phát triển kinh tế gia đình.
Nhìn lại Phi Liêng của hiện tại, ông K’Siêng nhớ về một thời vùng đất này còn nhiều gian khó, đường sá đi lại khó khăn. Cuộc sống du canh du cư, phá rừng làm rẫy, vẫn là phương thức canh tác chủ yếu của bà con. Những căn nhà tạm đơn sơ, thiếu kiên cố nằm lọt thỏm giữa ngọn đồi. Sinh ra và lớn lên ở vùng Phi Liêng, càng thấu rõ những khó khăn, thiệt thòi của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ông K’Siêng lại càng nuôi ý chí vươn lên, nỗ lực học tập, một lòng mong mỏi đưa đời sống của bà con miền núi thoát khỏi cái nghèo, cái khổ.
Gần nửa cuộc đời mình, bước chân của ông chưa bao giờ ngừng nghỉ, từ khi còn là lãnh đạo xã Phi Liêng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đam Rông cho đến nay là Bí thư Chi bộ thôn Liêng Đơng, ông K’Siêng luôn miệt mài đến từng buôn, từng gia đình, không ngừng truyền tải, thúc đẩy người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng tấm lòng chân thành, ông ra sức vận động bà con định canh, định cư, ổn định đời sống. Ở địa phương, ông K’Siêng là người tiên phong thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, làm gương cho bà con học tập theo để cải thiện thu nhập.
Năm 1994, ông đã thuyết phục bà con chuyển đổi từ lúa sang trồng cà phê, và ông cũng là người đầu tiên tại Phi Liêng áp dụng phương pháp ghép chồi để cải tạo vườn cà phê già cỗi. Kỹ thuật “trẻ hóa” cà phê này và trồng xen mắc ca đã giúp gia đình ông cùng nhiều bà con trong vùng duy trì, cải thiện thu nhập nhiều năm qua. Từ thực tế hiệu quả của việc chuyển đổi sản xuất, nhiều bà con vùng đồng bào DTTS đã dần bỏ tập tục du canh, du cư, mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Những hộ chưa nắm vững kỹ thuật trồng, ghép cà phê, ông K’Siêng thường xuyên đến nhà và tận tình hướng dẫn. Nay, nhiều hộ dân không chỉ trồng cà phê, mắc ca mà còn mạnh dạn trồng dâu, nuôi tằm, thu nhập từ đó mà tăng lên rõ. Nhận thức chuyển biến, hành động thay đổi, đời sống của bà con cũng từ đó mà dần khởi sắc. “Muốn bà con tin và làm theo, bản thân trước hết phải gương mẫu làm đầu và cho họ thấy được lợi ích từ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì khi đó, việc tuyên truyền, vận động mới dễ dàng”, ông K’Siêng nói.
Sau khi về hưu, thay vì nghỉ ngơi, ông K’Siêng đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ thôn Liêng Đơng. Thôn có hơn 70% người dân là đồng bào DTTS, ông luôn sâu sát, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó, có hướng đề xuất với địa phương hỗ trợ, giúp đỡ. Là người khéo léo, hòa đồng và am hiểu văn hóa, phong tục, biết nhiều thứ tiếng của các dân tộc Tây Nguyên, ông vận động bà con gìn giữ các nét đẹp văn hóa, phong tục của dân tộc mình, kiên quyết xóa bỏ những hủ tục; tuyên truyền, nêu cao tầm quan trọng của việc học, phát triển thế hệ trẻ. Ở thôn, hễ có mâu thuẫn, bất hòa, ông đều tận tình đến khuyên giải, giữ gìn đoàn kết giữa các dân tộc và an ninh, trật tự tại địa phương. Hầu hết các phong trào, cuộc vận động do địa phương phát động, ông K’Siêng đều gương mẫu tham gia đi đầu và nhiệt tình vận động, khích lệ bà con hưởng ứng. “Luôn đặt lợi ích của bà con lên hàng đầu, mọi việc đều lấy tâm huyết, trách nhiệm làm điều kiện tiên quyết”, ông nói.
Từ sự tận tâm, nhiệt tình và những đóng góp của mình, ông K’Siêng không chỉ nhận được sự tin yêu, kính trọng của bà con vùng Phi Liêng mà còn trở thành người có uy tín, có tiếng nói của địa phương.
Nhận xét về ông K’Siêng, ông Hoàng Trần Phú Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phi Liêng cho biết, suốt những năm qua, ông K’Siêng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Là người có uy tín, ông trở thành cầu nối vững chắc giữa ý Đảng và lòng dân, giúp các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần với bà con vùng đồng bào DTTS hơn. Hầu hết các phong trào, hoạt động do địa phương phát động, ông đều nhiệt tình tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng tham gia, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, xã hội ở Phi Liêng.
Kết thúc cuộc trò chuyện, gần trưa, nắng chiếu sáng trên khắp các ngôi nhà mới ở vùng xa Phi Liêng, hướng ánh mắt nhìn về những đồi dâu tằm, cà phê trải dài xanh mát, bất giác, ông K’Siêng mỉm cười, mừng vì bà con nay đã có cuộc sống ấm no hơn trước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin