(LĐ online) - Ngày 11/9, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo tập trung giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân đến ngày 30/11/2023 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư đã được kéo dài của các dự án. Nếu không đạt 100% kế hoạch vốn đã bố trí thì tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đã được giao.
Toàn tỉnh tập trung hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công 100% trước 30/11/2023 |
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 4/9/2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn kéo dài năm 2022 sang thực hiện trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt thấp (giải ngân 198,454/618,943 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch) không đạt tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu chung của tỉnh.
Để triển khai thực hiện kế hoạch vốn kéo dài với yêu cầu giải ngân đến ngày 30/11/2023 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư đã được kéo dài của các dự án, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc, các chủ đầu tư rà soát, kiểm tra, đánh giá khả năng thực hiện của các dự án được kéo dài vốn năm 2022 sang thực hiện, giải ngân năm 2023; lập kế hoạch, tiến độ thực hiện chi tiết của từng dự án hàng tuần (từ nay cho đến ngày 30/11/2023) để tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện; làm việc trực tiếp cùng các nhà thầu để có cam kết tiến độ hoàn thành từng hạng mục, cam kết khối lượng vật liệu, nhân công hàng ngày trên công trường để làm cơ sở kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án.
Chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cắt cử cán bộ chuyên môn theo dõi trực tiếp từng dự án thực hiện từ nguồn vốn kéo dài, phối họp cùng đơn vị tư vấn giám sát thực hiện công tác giám sát thường xuyên, trực tiếp tại công trường để kiếm tra, đôn đốc, kiếm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện công trình theo cam kết của nhà thầu; có biện pháp, giải pháp thi công, giám sát hợp lý (kể cả tăng ca) để bù đắp thời gian chậm trễ; thực hiện nghiêm việc xử phạt chậm trễ tiến độ hợp đồng theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của chủ đầu tư.
Đối với các dự án thực hiện hoàn thành trong năm 2023, tiến hành rà soát cụ thể khối lượng còn lại của dự án, số vốn cần thiết giải ngân cho đến khi kết thúc dự án; tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền rút vốn, điều chuyển vốn còn dư để thực hiện các dự án khác cần vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng; tập trung hoàn tất hồ sơ, thủ tục nghiệm thu đảm bảo điều kiện thanh toán cho các nhà thầu; hoàn tất thủ tục lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Đối với các dự án thực hiện chuyển tiếp sang kế hoạch năm 2024 và các năm tiếp theo, tiến hành rà soát khả năng thực hiện của từng dự án, đánh giá kỹ khối lượng phải thực hiện còn lại trong những tháng cuối năm theo số vốn được phép kéo dài; xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện, giải ngân chi tiết; khuyến khích các chủ đầu tư có kế hoạch đấy nhanh tiến độ thực hiện của dự án và xin bổ sung thêm vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, bàn giao dự án đưa vào khai thác sử dụng.
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để nghiệm thu khối lượng hoàn thành đã đủ điều kiện thanh toán, giải ngân (trong đó, tập trung ưu tiên việc giải ngân vốn được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân từ năm 2022 sang kế hoạch năm 2023) gửi ngay Kho bạc Nhà nước các cấp để được kiểm tra, kiểm soát nhằm sớm thanh toán vốn cho nhà thầu thi công; đồng thời, đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch đề ra.
Rà soát tình hình triển khai thực hiện dự án, thanh toán giải ngân vốn của từng dự án được kéo dài thực hiện sang năm 2023; nếu đến ngày 30/11/2023 tỷ lệ giải ngân không đạt 100% kế hoạch vốn đã bố trí thì tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đã được giao; báo cáo UBND tỉnh kết quả xử lý trước ngày 15/12/2023.
Kể từ năm 2024 trở đi, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc, các chủ đầu tư phải báo cáo rõ nguyên nhân không giải ngân hết nguồn vốn đã được bố trí trong năm phải đề xuất kéo dài phù hợp với quy định về điều kiện được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức rà soát, đánh giá kỹ khả năng thực hiện, giải ngân của các dự án đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn sang năm sau; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu không giải ngân hết vốn do mình đề xuất kéo dài.
Các dự án đề xuất kéo dài vốn thực hiện sang năm sau phải đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân đến ngày 30/6 đạt từ 70% số vốn kéo dài trở lên và đến 30/9 phải giải ngân 100% số vốn được phép kéo dài. UBND tỉnh không xem xét việc bố trí lại đối với số vốn kéo dài nhưng không thanh toán, giải ngân hết bị hủy kế hoạch; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm cân đổi, bố trí đối với sổ vốn bị hủy để thực hiện hoàn thành dự án theo đúng mục tiêu, quy mô đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc; các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để chậm trễ không đạt mục tiêu giải ngân nguồn vốn kéo dài của năm 2022 sang thực hiện trong năm 2023.
Đề nghị đồng chí Bí thư Huyện uỷ, Thành uỷ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo UBND huyện, thành phố thực hiện quyết liệt những nội dung nêu trên để đảm bảo hoàn thành tiến độ đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh trong năm 2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin