Ngọt giòn hồng đầu mùa trên đất D’ran

DIỆP QUỲNH 10:04, 01/09/2023

(LĐ online) - Vụ hồng D’ran vừa bắt đầu bước vào những ngày trái vàng nhẹ, báo hiệu vị ngọt giòn thanh tao của trái hồng giòn cao nguyên. Hồng Chín Nên chính là trái hồng chín sớm nhất, khởi đầu cho vùng hồng D’ran, thị trấn nhỏ nằm giữa những ngọn đồi và dòng Đa Nhim lững lờ.

Trái hồng Chín Nên
Trái hồng Chín Nên

Ông Nguyễn Nam vừa hái hồng, vừa kể lại gốc tích tên gọi của trái hồng Chín Nên với vẻ giản dị của người nông dân phố núi: “Hồng tên gọi Chín Nên bởi người tìm ra giống hồng này là ông già tôi, cụ Nguyễn Nên. Gọi Chín Nên vì ghép tên ông già với mẹ tôi, bà Chín. Vườn hồng đây cũng là vườn hồng cụ ông trồng từ ngày xưa, cây gốc thì chết rồi nhưng đã gầy giống cho cả vùng Phú Thuận này. Giờ bà con vào mùa ai cũng gọi hồng Chín Nên, con cháu nghe cũng tự hào về ông bà cha mẹ”.

Ông Nguyễn Nam là con trai đầu của cụ Nguyễn Nên, sinh sau 4 người chị gái. Ông cũng là người cùng anh chị em tiếp quản vườn hồng 6 ha của cụ Nguyễn Nên, duy trì và phát triển vườn hồng đẹp đến hôm nay. Vườn hồng nằm trên mảnh đất đồi khá dốc của tổ dân phố Phú Thuận, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương.

Ông Nguyễn Nam đang thu hoạch hồng
Ông Nguyễn Nam đang thu hoạch hồng

Đất D’ran vốn là đất hồng, nơi những giống hồng được lai tạo, chọn lựa và được trồng rộng rãi cho đến hôm nay. Những giống hồng nổi tiếng như Chín Nên, Tám Hải, hồng vuông Đồng, hồng trứng lửa, trứng son… Nhưng hồng Chín Nên vẫn giữ vị trí được bà con ưa chuộng, gầy giống vì hồng Chín Nên là giống hồng chín sớm nhất, hồng đầu vụ. Trái hồng tròn, hơi dẹt, ăn rất giòn, ngọt thanh nên được thị trường ưa chuộng. 

Một điều đặc biệt nữa của cây hồng Chín Nên là nếu các giống hồng khác thường cho trái năm được, năm thất thì hồng Chín Nên cho trái đều đặn, năng suất trung bình không tăng, không giảm. Cây lại khá ít rụng trái, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu nên bà con chọn giống Chín Nên để gầy khá nhiều. Trung bình mỗi năm, một cây hồng Chín Nên có thể cho từ 70 -100 kg trái.

Hồng xứ D’ran nhiều chuyện rất lạ, ông Phạm Ngọc Quang, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Phú Thuận kể. Cũng giống hồng Chín Nên, trồng ở đất Phú Thuận thì trái không hạt. Nhưng từ cây mẹ Phú Thuận mà trồng ở Lâm Tuyền hay Hoà Bình, Hamasin thì trái lại có hạt. Vậy nên bà con rút kinh nghiệm, dân Phú Thuận trồng nhiều Chín Nên, cư dân Hamasin, Hoà Bình trồng nhiều hồng trứng, Tám Hải.

Vườn hồng do cụ Chín Nên tự tay trồng, vẫn còn nhiều cây do cụ trồng từ năm 1980 tới nay vẫn cho trái
Vườn hồng do cụ Chín Nên tự tay trồng, vẫn còn nhiều cây do cụ trồng từ năm 1980 tới nay vẫn cho trái

Mảnh vườn 6 ha của cụ Nguyễn Nên để lại cho con có cả cây hồng gốc. Ông Nguyễn Nam kể lại, cụ Nguyễn Nên người gốc Bình Định, năm 1972 cụ mới vào D’ran và sống ngay tại mảnh vườn này. Cũng giống như mọi người, cụ Nguyễn Nên trồng hồng làm cây trồng chính. Xưa, trồng cây hồng từ hạt, phải 7 - 10 năm hồng mới cho trái. Nên khoảng năm 1980, cụ mới phát hiện ra một cây hồng chín sớm, trái giòn tan. Vậy là cụ mày mò nhân giống toàn vườn, sau đó bà con Phú Thuận thấy giá trị của giống hồng, xin giống từ vườn của cụ, nhân rộng giống Chín Nên ra khắp Phú Thuận và cả thị trấn.

Ông Nguyễn Nam bảo, vườn hồng là tâm huyết cả đời của ông cụ nên dù thời điểm cây hồng lao đao, nhiều nông dân chặt hồng đi trồng các loại cây trồng khác thì gia đình ông vẫn lưu giữ, chăm sóc cho vườn hồng của cha mẹ. Ông cụ đã mất nhưng công sức của hai cụ vẫn còn được nhớ tới từ cái tên hồng Chín Nên, từ những cây hồng cho trái vàng mỗi độ thu sang.

Ông Phạm Ngọc Quang cho biết, hiện thôn Phú Thuận có khoảng 100 ha hồng Chín Nên. Các tổ dân phố trong thị trấn cũng nhân giống Chín Nên nhiều vì đây là giống hồng chín sớm, bán được giá. Hiện nhiều gia đình nhân giống Chín Nên bằng ghép mầm trên cây hồng cũ thì sau 3 năm, cây đã cho trái, rút ngắn thời gian chờ đợi.

Cây hồng chín sớm mang tên một người nông dân giản dị đã đêm đến cho nông dân D’ran một giống trái ngon ngọt, góp chút hương thu đến với người tiêu dùng.