Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước phát triển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2023.
Lâm Đồng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DNVVN |
Dù trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, song hầu hết các DN thuộc khối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp xây dựng trên địa bàn đã chủ động triển khai các biện pháp thích ứng, phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chương trình, chính sách tín dụng gắn với phục hồi phát triển sau đại dịch, DN ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp xây dựng trên địa bàn đã chủ động đổi mới dây chuyền công nghệ, máy móc, phương tiện sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường kết nối DN, nhất là áp dụng các mô hình quản lý, quản trị theo quy chuẩn tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó tùy theo chức năng, ngành nghề kinh doanh, các DN đã kịp thời cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phục hồi phát triển sau đại dịch. Trong 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu của các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, xây dựng trên địa bàn đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận trên 660 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 1.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho nguồn lao động địa phương.
Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân và nhà đầu tư thành lập DN, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình khởi nghiệp. Mỗi năm, địa phương đã phát triển, thành lập mới trên 1.000 DN, song song đó xây dựng được hàng trăm mô hình khởi nghiệp sáng tạo, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển khoảng 13.000 DN hoạt động tại địa phương. Việc triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng, nhất là ưu tiên nguồn vốn cho vay DNVVN không chỉ giúp các DN có điều kiện để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển DN, phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương.
Ông Đinh Minh Quý - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lâm Đồng thông tin: Để triển khai hỗ trợ công nghệ cho DNVVN, tỉnh đã hỗ trợ chi phí cho DN thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh cho DNVVN theo quy định. Triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh, bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); Nền tảng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh IOC; Nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Nền tảng CSDL quốc gia về dân cư; Nền tảng CSDL quốc gia về đất đai; Nền tảng CSDL quốc gia về đăng ký DN nhằm phục vụ tốt hơn người dân và DN trên địa bàn.
Xây dựng, nâng cấp cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đảm bảo theo đúng quy định của Chính phủ, thực hiện đăng tải, cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch, hồ sơ, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính,... tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khai thác thông tin. Các hợp tác xã, DN khoa học và công nghệ sử dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động địa phương, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tỉnh Lâm Đồng cũng thực hiện tốt việc hỗ trợ thông tin cho DNVVN. Các DN được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin văn bản pháp luật đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, Hiệp hội DN tỉnh, UBND các huyện, thành phố; cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập doanh nghiệp được tư vấn miễn phí về thủ tục pháp lý, hướng dẫn hồ sơ, quy trình các bước nộp hồ sơ đăng ký thành lập DN; được tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN, tham gia đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc pháp lý cho DN.
Xác định vai trò quan trọng của DNVVN đối với nền kinh tế, trong những năm qua, Lâm Đồng đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối tượng này phát triển. Các chính sách được ban hành và triển khai cơ bản đã theo sát yêu cầu thực tế trong ngắn hạn, trước mắt và có tính chiến lược. Cụ thể, phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động DNVVN, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho DN nói chung, nhất là đối với các DNVVN; tạo nguồn vốn và mặt bằng sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực quản trị DN.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin