(LĐ online) - Ngày 27/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp - Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng tham dự chương trình làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH, do ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Uỷ viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH, Trưởng đoàn Công tác về chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại Lâm Đồng.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh - Trưởng Đoàn công tác của Ban đại diện HĐQT NHCSXH làm việc tại Lâm Đồng |
Tham dự chương trình làm việc còn có các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo các phòng chuyên môn của NHCSXH chi nhánh tỉnh Lâm Đồng.
Báo cáo của Ban đại diện NHCSXH tỉnh Lâm Đồng do bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, trình bày, cho biết: Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp duy trì tổ chức họp định kỳ hàng quý theo quy định. Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tham gia đầy đủ các phiên họp, các thành viên không tham gia phiên họp do bận công tác đều có ý kiến đối với báo cáo và Nghị quyết của Ban đại diện.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH chi nhánh tỉnh Lâm Đồng trình bày báo cáo hoạt động của Ban đại diện |
Năm 2022, địa phương đã chuyển ủy thác cho NHCSXH 112.510 triệu đồng; 8 tháng năm 2023, địa phương đã chuyển ủy thác 112.900 triệu đồng. Tính đến ngày 31/8/2023 nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 505.752 triệu đồng, tăng 116.037 triệu đồng so với đầu năm.
Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, địa phương đã chuyển ủy thác qua NHCSXH 453.073 triệu đồng; trong đó, ngân sách tỉnh 252.656 triệu đồng, ngân sách huyện 191.203 triệu đồng, Ủy ban MTTQ các cấp 9.214 triệu đồng.
Năm 2022, có 266/266 thành viên Ban đại diện NHCSXH các cấp kiểm tra 12 lượt huyện, 722 lượt xã, 1.083 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn, 4.439 lượt hộ vay, đạt 100% số thành viên thực hiện kiểm tra. 8 tháng năm 2023 có 234/262 thành viên Ban đại diện NHCSXH các cấp kiểm tra 7 lượt huyện, 416 lượt xã, 701 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn, 2.482 lượt khách hàng, đạt 89,3% số thành viên thực hiện kiểm tra. Kết quả giao dịch xã đến tháng 8/2023, tỷ lệ giải ngân đạt 99,57%, tăng 0,56% so với năm 2022; tỷ lệ thu nợ đạt 96,48%; tỷ lệ thu lãi đạt 99,76%, có 142/142 xã xếp loại tốt.
Ban đại diện tham mưu UBND tỉnh, UBND cấp huyện khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện tín dụng chính sách (năm 2022, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 tập thể, 7 cá nhân; UBND cấp huyện khen thưởng 65 tập thể, 148 cá nhân; năm 2023, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 4 tập thể, 7 cá nhân; tham mưu UBND cấp huyện khen thưởng 80 tập thể, 169 cá nhân).
Ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đánh giá hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng |
Ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, đánh giá: Trong điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, nhưng dự nợ tín dụng cho vay của NHCSXH khá tốt, đạt trên 303 tỷ đồng/gần 5 ngàn khách hàng; hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Trung ương khá lớn (năm 2022: hơn 33.500 món vay được hỗ trợ trên 16,6 tỷ đồng, 8 tháng của năm 2023: gần 52.800 món vay với số tiền hỗ trợ trên 26,5 tỷ đồng), đảm bảo chất lượng tín dụng hiệu quả, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn tốt. Có những điểm sáng, như: có 31/142 điểm giao dịch xã kiểu mẫu; Tuần gởi tiết kiệm chung tay vì người nghèo tạo nên sự lan toả trong ý thức của cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh; Chương trình cho vay khởi nghiệp có hiệu quả...
Ông Hoàng Minh Tế - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH nhận xét hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng |
Ông Hoàng Minh Tế - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, nhận xét: Báo cáo của HĐQT cho kết quả rất tốt, duy trì trong nhiều năm, phản ánh rõ vai trò của Ban đại diện và các tổ chức chính trị - xã hội cùng NHCSXH. Tuy nhiên, số món vay 3 tháng không hoạt động giảm so với năm trước (66 món) là nguy cơ vì số tiền vay khá lớn; số món vay quá hạn nhiều... Từ số liệu vay vốn và trả lãi cho thấy tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến tình hình trả gốc và lãi đúng hạn... Vì vậy, đề nghị NHCSXH tỉnh Lâm Đồng chú ý đến vấn đề sử dụng vốn hiệu quả.
Theo ông Tế, thời gian qua, Lâm Đồng xây dựng tiêu chí cho Điểm giao dịch kiểu mẫu, có thể làm mô hình cho các tỉnh thành khác học hỏi. Nhưng cần chú ý đến khả năng sử dụng vốn của người vay, cần phối hợp với các sở ngành có hướng dẫn các dự án sản xuất, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng trưởng nguồn vốn được sự hỗ trợ của địa phương đối ứng thêm 10%, tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng, nợ khoanh thấp không có nợ xâm tiêu.
Tuy nhiên, số tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt giảm, xếp loại khá và trung bình tăng, tăng nợ quá hạn. Chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn có tác động tốt đến công tác giảm nghèo. Nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu cấp uỷ và chính quyền các cấp về chỉ đạo của Đảng và NHCSXH về tín dụng chính sách xã hội, xây dựng các chương trình dự án gắn kết các mô hình phát triển kinh tế với các nguồn vốn tín dụng chính sách (khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, đào tạo nghề...) để nâng cao hiệu quả nguồn vốn.
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đánh giá cao hoạt động tín dụng chính sách tại Lâm Đồng. Dù tỉ lệ hộ nghèo thấp (1,94%), nhưng tăng trưởng của tín dụng chính sách vẫn ở mức cao (8,4%), chất lượng tín dụng tốt (0,16%), tỷ lệ thu nợ đến hạn tốt, lãi tồn giảm... Nguồn vốn uỷ thác đối ứng của địa phương tốt cho thấy sự quan tâm của chính quyền, góp phần đầu tư cho con người, tiền không mất đi, nhưng người vay có thêm nguồn vốn để tạo sinh kế, phát triển sản xuất kinh doanh (trên 116 tỷ đồng), tăng cường chất lượng tín dụng ở các tổ chức hội đoàn thể. Kiến nghị của địa phương sẽ được Đoàn công tác ghi nhận và đề xuất lên Chính phủ.
Tuy nhiên, với đề xuất MTTQ tham gia Ban đại diện, khi chưa có quyết định có thể đưa nội dung vào công tác phối hợp; cho vay hạn chế tín dụng đen phụ thuộc vào nguồn vốn; kéo thời gian cho vay hộ thoát nghèo thành 5 năm (so với 3 năm hiện nay) cần có sự đánh giá, so sánh làm cơ sở; cho thêm thời gian được hưởng hỗ trợ đối với xã đặc biệt khó khăn sau khi hết khó khăn; nâng mức cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn cần làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phụ cấp cho trưởng thôn hoạt động tín dụng chính sách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp phát biểu tại chương trình làm việc |
Phát biểu tại chương trình làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp, khẳng định: Các ý kiến Đoàn công tác đã định hướng cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới. Ban đại diện NHCSXH tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp thu; đồng thời, những chỉ tiêu hoạt động của hoạt động tín dụng chính sách chưa đạt sẽ nghiên cứu, tìm nguyên nhân khắc phục...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin