TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT VỀ ĐỀ TÀI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH LÂM ĐỒNG:
Xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu ở vùng nông thôn mới (Bài 1)

VĂN VIỆT 06:15, 29/09/2023

Quá trình xây dựng chuỗi giá trị nông sản tiêu chuẩn toàn cầu, trên các vùng nông thôn mới Lâm Đồng đang hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, chuyên nuôi vật chủ lực trong môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, kết nối một vòng tuần hoàn an toàn từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Cơ hội lớn này cũng đồng thời thách thức không nhỏ trong hành trang nâng cao uy tín, thế mạnh của thương hiệu nông sản cao nguyên Lâm Đồng trên thị trường trong nước và thế giới. 

Bài 1: Sản xuất cà phê không gây mất rừng - giải pháp cho cộng đồng

Theo Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH, bắt đầu từ tháng 12/2024, cà phê sản xuất không gây mất rừng trên thế giới mới được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Với sản phẩm cà phê Song Vũ ở xã nông thôn mới Xuân Trường, Trạm Hành, Đà Lạt từ năm 2012 đến nay, đã mở rộng liên kết trong cộng đồng dân cư, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm từng bước tiệm cận với tiêu chuẩn lưu thông toàn cầu. 

Khu vực cà phê cảnh quan không gây mất rừng ở thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường, Đà Lạt
Khu vực cà phê cảnh quan không gây mất rừng ở thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường, Đà Lạt

CHUYỂN ĐỔI KỸ THUẬT CANH TÁC VÔ CƠ SANG HỮU CƠ

Thời điểm cuối mùa thu năm 2023, tham quan những khu vườn cà phê Arabica sản xuất theo quy trình hữu cơ tại thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường, Đà Lạt, phóng viên ghi nhận những bước chuyển giao kỹ thuật canh tác an toàn, hiệu quả. Anh Nguyễn Song Vũ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ cho biết, HTX tiếp tục hoàn chỉnh quy trình chuyển giao kỹ thuật sản xuất 30 ha diện tích cà phê hữu cơ cho 7 thành viên. Đây là năm thứ 4, HTX xây dựng tiệm cận gần hơn chuỗi giá trị toàn cầu, trọng tâm chuyển đổi giải pháp sản xuất vô cơ sang giải pháp hữu cơ đồng bộ theo từng giai đoạn. Cụ thể, mỗi năm sau khi thu hoạch trên 30 ha cà phê, HTX tổ chức cùng lúc 7 hộ thành viên tiến hành cắt cành, tỉa tán, thu gom và tiêu hủy tại chỗ toàn bộ vật liệu thực bì. Đến giai đoạn chăm sóc, HTX giảm lượng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật với tỷ lệ khoảng 30% năm đầu tiên; 50% năm thứ hai; 70% năm thứ ba và 0% năm thứ 4. 

“Nhìn chung phần lớn diện tích cà phê của 7 hộ liên kết chuyển đổi môi trường sinh trưởng vô cơ sang hữu cơ đều đạt yêu cầu. Cá biệt chỉ có vài ha bị “sốc” dinh dưỡng, gây tình trạng vàng lá, HTX đã kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp riêng. Đến năm thứ 3, thứ 4 chuyển đổi, toàn bộ những vườn cây cá biệt này đều được phục hồi xanh tốt. Dự kiến đến năm thứ 5 sẽ giảm thành công 100% phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây qua từng vụ mùa…”, Giám đốc HTX Nguyễn Song Vũ chia sẻ. 

Riêng thuốc bảo vệ thực vật, HTX thay thế bằng các chế phẩm sinh học tăng cường dinh dưỡng và khả năng chống chịu của cây cà phê đối với các yếu tố bất lợi từ bên ngoài, trong đó có một số loại bệnh xâm hại, tập trung bơm phun thời điểm vào các tháng 3, 4, 5, 6 trong năm, nhằm tăng trọng lượng và chất lượng trái cà phê phát triển trên cành. Đặc biệt, hàng năm dùng máy phát cỏ từ 4-5 lần, thu gọm tập kết ở một khu vực thuận lợi trong vườn để ủ làm phân hữu cơ bón trở lại cho cây trồng. 

Tiến sĩ khoa học Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật sống ở trong đất, tạo sự sinh trưởng công bằng đối với hệ thực vật đa dạng, trong đó có những khu rừng thông bao bọc mô hình liên kết sản xuất cà phê của HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ Đà Lạt.

Vị đặc trưng của sản phẩm cà phê Song Vũ đang “lan tỏa” đến người tiêu dùng nhiều vùng, miền trong nước
Vị đặc trưng của sản phẩm cà phê Song Vũ đang “lan tỏa” đến người tiêu dùng nhiều vùng, miền trong nước

CỘNG ĐỒNG TÔN TẠO CẢNH QUAN, MÔI TRƯỜNG RỪNG

Đi dọc theo cánh đồng 30 ha cà phê thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường, Đà Lạt bằng ô tô còn được ngoạn cảnh rừng thông, hồ nước rộng lớn, cây đa mục đích sinh trưởng sống động trong quần thể xanh trên độ cao 1.500 m so với mực nước biển. Với khu vực cà phê sản xuất theo chuỗi liên kết tiêu chuẩn hữu cơ sắp sửa hoàn thành năm thứ 4 ở đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ Đà Lạt dự kiến tiếp tục đạt sản lượng trái tươi trên dưới 15 tấn/ha niên vụ 2023-2024. Trong đó đưa vào chế biến tại HTX tỷ lệ 80% hạt nhân xanh, 10% rang xay, 10% trái tươi. Sản phẩm tiêu thụ chiếm 70% thị trường trong nước, 30% thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Na Uy, Mỹ…

Tiếp tục theo mục tiêu khuyến nông cộng đồng sản xuất cà phê không gây mất rừng, HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ mở rộng liên kết 35 hộ sản xuất 70 ha cà phê Arabica VietGAP trên địa bàn 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành, Đà Lạt, trong đó chuyển đổi từng phần diện tích sang sản xuất hữu cơ theo mô hình chuỗi giá trị toàn cầu gắn với tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường rừng giáp ranh. 

Nói riêng đến cuối tháng 9/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã hỗ trợ HTX phân tích các thông số về chất đất, nguồn nước, sản phẩm cà phê thu hoạch, hoàn thành các hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký mã số vùng trồng cà phê Arabica, làm cơ sở cấp chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian sớm nhất. 

Ông Nguyễn Phi Hùng, đại diện Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH nhấn mạnh, việc truy xuất nguồn gốc theo vùng là 1 trong 4 giải pháp xác định sản phẩm cà phê không gây mất rừng để xuất khẩu thị trường châu Âu. 4 nhóm giải pháp còn lại gồm hỗ trợ nông dân tiếp cận tài chính và dịch nâng cao sinh kế, xây dựng cơ sở dữ liệu vườn trồng, khoanh vùng sản xuất cà phê theo mức độ nguy cơ mất rừng để tổ chức giám sát…

(CÒN NỮA)