Bảo tồn và phát triển cây dược liệu còn gặp nhiều khó khăn

CHÍNH PHONG 06:04, 27/10/2023

Lâm Đồng đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 diện tích sản xuất dược liệu đạt 2.000 ha theo Đề án Phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên, để phát triển nguồn tài nguyên dược liệu cũng như bảo tồn, địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phát triển diện tích, chế biến, bảo tồn và sử dụng cây dược liệu.

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, hiện nay, một số giống dược liệu đặc hữu như atiso đã thoái hóa 
qua thời gian dài canh tác, sử dụng
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, hiện nay, một số giống dược liệu đặc hữu như atiso đã thoái hóa qua thời gian dài canh tác, sử dụng

Tính đến nay, tổng diện tích dược liệu trên toàn tỉnh 904,04 ha, đạt 81% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, cây dược liệu trên đất nông nghiệp 852,24 ha với các loại chủ lực atiso, sả, nghệ và cây dược liệu trên đất lâm nghiệp 51,8 ha với các loại chủ lực trà hoa vàng, đẳng sâm. Thời gian qua, công tác bảo tồn dược liệu được tỉnh Lâm Đồng chú trọng định hướng khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc quý, hiếm nằm trong danh mục cần bảo vệ trong rừng đặc dụng, vườn quốc gia. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương đã bảo tồn và trồng bổ sung các loại dược liệu tại 6 vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với quy mô 5.500 ha. 

Nhằm hỗ trợ liên kết giữa nông dân trồng dược liệu với các hợp tác xã, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 2 dự án liên kết chuỗi cấp tỉnh, gồm: Dự án phát triển liên kết tổ chức sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm atiso Công ty TNHH trà Ngọc Duy thực hiện năm 2020-2022. Dự án liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu trà hoa vàng của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trà hoa vàng Phương Nam Đạ Huoai thực hiện năm 2023-2024. Bên cạnh đó, UBND huyện Lạc Dương phê duyệt 1 dự án và 2 kế hoạch liên kết cấp huyện về hỗ trợ tổ chức sản xuất, phát triển chuỗi liên kết cây dược liệu (kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng) với các cây dược liệu đương quy, atiso.

Lãnh đạo ngành Nông nghiệp cho rằng, mặc dù đạt được kết quả khả quan nhưng ngành dược liệu đang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, việc sản xuất dược liệu còn ở quy mô nhỏ, phân tán. Trong khi nguồn giống phục vụ sản xuất dược liệu còn hạn chế. Phần lớn các loại dược liệu chủ lực phải thực hiện nhập khẩu giống. Các địa phương trên địa bàn chưa có cơ sở sản xuất giống dược liệu tập trung, được công nhận. Một số giống đặc hữu như atiso đã thoái hóa qua thời gian dài canh tác, sử dụng.

Về liên kết sản xuất chế biến giữa người dân và các đơn vị thu mua chế biến còn hạn chế. Trừ Công ty Ladophar và một số doanh nghiệp chuyên các sản phẩm trà túi lọc phần lớn dược liệu sản xuất được bán trôi nổi qua thương lái. Qua khảo sát một số địa phương, việc tổ chức quản lý về khai thác, bảo tồn các dược liệu tự nhiên thiếu khoa học. Khai thác chưa đi đôi với bảo tồn, cùng với tình trạng phá rừng làm nương rẫy dẫn đến tình trạng nguồn cây thuốc ngày càng cạn kiệt. 

Từ thực tế nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất xây dựng một số cơ chế đặc thù cho thuê môi trường rừng để triển khai một số dự án phát triển một số loài dược liệu quý trồng dưới tán rừng như sâm ngọc linh, lan gấm, sâm LangBiang, trà hoa vàng... Bên cạnh đó, thời gian tới, địa phương cần ban hành chính sách hỗ trợ cho việc bảo tồn, khôi phục giống dược liệu quý, hiếm; phát triển dược liệu dưới tán rừng, sản xuất một số loại dược liệu đặc thù như nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi... của tỉnh có quy mô nhỏ (dưới 2 ha/trang trại, cơ sở), chưa đáp ứng tiêu chí về quy mô theo quy định tại Điều 7, Nghị định 65/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, cần ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư phát triển thực phẩm chức năng được sơ chế, chế biến từ nguồn nguyên liệu dược liệu.