Bưởi da xanh Thanh Thủy trên đất dốc

DIỆP QUỲNH 06:07, 11/10/2023

Trên sườn dốc cao của đất Mỹ Đức, Đạ Tẻh, một vườn bưởi da xanh với những trái bưởi đặc sản đang cho trái ngọt. Lựa chọn trồng giống cây giá trị cao trên đất dốc, người nông dân nơi đây đã cho thấy hướng đi hiệu quả đã mang lại giá trị kinh tế cao.

Anh Trường bên vườn bưởi da xanh
Anh Trường bên vườn bưởi da xanh

Anh Nguyễn Hữu Trường, nông dân Thôn 7, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh cũng như hầu hết những người nông dân xung quanh luôn trăn trở trồng cây gì, nuôi con gì để có được thu nhập ổn định. Mảnh đất của anh có diện tích lớn, tới 6 ha nhưng nằm trên một quả đồi cao. Đất bazan cao nguyên khô cháy dưới những cơn gió mùa khô khiến người nông dân càng thêm vất vả. Nhưng, anh Trường không ngại khó, không ngại khổ để trồng và hôm nay đã được hưởng vị ngọt từ trái bưởi.

Anh Trường kể lại, mảnh đất đồi khá dốc, cằn cỗi vì thiếu nước. Ban đầu, anh trồng điều vì với mảnh đất này, chỉ có cây điều mới chịu được khô hạn, cằn cỗi. Nhưng trồng điều thu nhập không ổn định, giá thất thường, năng suất bấp bênh. Vì vậy, anh tính toán trồng cây ăn trái như rất nhiều nông hộ trong xã. Nhận thấy cây bưởi da xanh rất hợp đất Mỹ Đức, lại cho giá trị kinh tế cao, anh Trường đã xuống giống 500 cây bưởi da xanh thương hiệu Thanh Thủy, thứ bưởi vỏ xanh, ruột hồng không hạt, có vị ngọt đậm đà. Anh Trường chia sẻ: “Trồng bưởi là trồng cây lâu năm, tôi tính toán phải trồng giống nào cho năng suất và chất lượng ổn định, thị trường ưa chuộng. Khi tính toán kỹ, tôi chọn giống bưởi da xanh Thanh Thủy và mua giống ở cơ sở cung cấp giống uy tín, đảm bảo chất lượng”.

Chặt từng gốc điều, cày sạch rễ, đào hố trồng từng cây bưởi ghép, anh Nguyễn Hữu Trường đã đổ nhiều mồ hôi trên mảnh đất đồi dốc. Anh cho biết, đặc trưng của cây trồng trên đất đồi là lớn khá chậm do nguồn nước không dồi dào. Để đảm bảo nguồn nước tưới, anh Trường đào ao trên đỉnh đồi, bơm nước từ khe lên ao và sau đó, nước theo đường ống tự động chảy xuống cung cấp nước cho cây trồng. Theo anh Trường, trồng trên đồi việc chăm sóc khó hơn, gió lớn hơn, đất khô hơn nên cây không lớn nhanh như trồng đất bằng. Vườn bưởi trồng từ năm 2018 tới nay mới bước vào vụ thu hoạch đầu tiên trong khi nhiều vườn bưởi chỉ 3 năm là có trái. Tuy nhiên, trồng trên đất đồi, bộ rễ cây không bị úng nước, cây ít bệnh tật, ít phải sử dụng các lại thuốc bảo vệ thực vật chữa nấm, chữa bệnh. Và cũng vì lớn chậm, vị trái cây đất đồi đậm đà hơn trồng tại những vùng có độ ẩm cao. Trái bưởi da xanh đất đồi ngọt lịm, anh Trường bán rất dễ, được bạn hàng ưa chuộng. Anh cho biết, bưởi được bán ngay tại vườn với giá trung bình 25-30 ngàn đồng/kg, bao nhiêu hàng cũng hết.

Anh Trường chia sẻ, trái bưởi da xanh Thanh Thủy đặc trưng là da xanh, tép quả hồng, không có hạt. Với vị ngọt đặc trưng, khách hàng rất ưa chuộng dòng bưởi không hạt này. Để tìm đầu ra ổn định cho cây bưởi, anh Trường còn tham gia HTX trái cây Mỹ Đức, trồng bưởi theo chuẩn VietGAP, đảm bảo trái bưởi “vào” được siêu thị, chuỗi cửa hàng trái cây sạch. Cùng với các thành viên trong HTX trồng bưởi da xanh, đăng kí thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, trái bưởi da xanh của anh Nguyễn Hữu Trường được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi. Không chỉ dừng ở nội tiêu, anh và bà con HTX còn đang xây dựng kế hoạch đưa trái bưởi xuất ngoại, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Anh Trường vui mừng cho biết, cây bưởi vài năm đầu năng suất chưa cao, những năm về sau năng suất sẽ tăng dần và có thể cho thu hoạch ổn định tới 20 - 30 năm, là nguồn thu rất tốt bởi nhu cầu của người tiêu dùng với trái bưởi rất cao, nhất là khi anh và bà con nuôi ý định xuất khẩu trái bưởi Mỹ Đức.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết, vườn bưởi của anh Nguyễn Hữu Trường là một điểm sáng trong xã. Giống ngon, trồng theo hướng trái cây sạch, anh Trường đang cung cấp những trái bưởi chất lượng cao ra thị trường. Chính quyền xã đang tích cực động viên, hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Hữu Trường xây dựng nông sản vườn nhà thành sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu - nói theo kiểu nông dân là làm “sản phẩm OCOP”. Từ việc xây dựng một sản phẩm OCOP, Mỹ Đức hy vọng thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giúp người nông dân chọn lựa và phát triển những giống cây trồng mới có giá trị cao hơn.