Cát Tiên: Hiệu quả từ Mô hình Trồng dừa trên đất lúa

HOÀNG SA 06:07, 24/10/2023

Trong vài năm trở lại đây, cây dừa Mã Lai đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Cát Tiên, bởi đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và trái dừa có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.

Trồng dừa Mã Lai giúp gia đình anh Hưng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Trồng dừa Mã Lai giúp gia đình anh Hưng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Cát Tiên, chúng tôi đến thăm mô hình trồng dừa Mã Lai của hộ anh Tạ Duy Hưng, Thôn 2, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên. Đây cũng là 1 trong số 27 vườn mẫu được công nhận trên địa bàn. Anh Hưng cho biết, hiện gia đình anh đang trồng 700 gốc dừa Mã Lai trên diện tích 2,4 ha. Số diện tích canh tác trên được anh chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang. 

Theo anh Hưng, từ năm 2020, anh bắt đầu cải tạo đất rồi mua giống dừa đỏ Mã Lai từ Bến Tre về trồng trên vườn nhà mình. Từ mảnh đất trống ngập nước vào mùa mưa, giờ đây, vườn dừa đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh. Trên diện tích 2,4 ha, anh Hưng trồng gần 700 cây dừa, trồng theo hàng, cây cách cây 6 mét. Mỗi tháng, anh bón phân một lần để cây đủ dinh dưỡng cho trái liên tục. Từ khi dừa ra trái non đến khi thu hoạch được là khoảng 6 tháng, cứ thu buồng này thì buồng khác tiếp tục lớn. 

Anh Hưng cho biết, giống dừa Mã Lai này có đặc điểm trái nhỏ, bình quân khoảng 1,5 - 2 kg/trái, nước ngọt thanh và được thị trường ưa chuộng. Dừa trồng khoảng 3 năm tuổi là cho thu hoạch. Năng suất rất cao, bình quân từ 15 - 20 trái/buồng, cá biệt có những buồng trên 30 trái. Cứ 20 - 25 ngày, mỗi cây dừa sẽ ra một buồng dừa mới, cho thu hoạch liên tục trong năm. 

Hiện nay, sản phẩm trái dừa tươi Mã Lai được anh Hưng bán tại địa phương và một số nơi lân cận với giá 6.000 đồng/ trái. So với nhiều loại cây trồng khác như bưởi, sầu riêng, cam, quýt thì dừa Mã Lai dễ trồng, đầu tư ít hơn; đồng thời, chỉ cần giá từ 3.000 đồng/trái là người nông dân đã có lãi. Với 700 gốc dừa đang trong giai đoạn kinh doanh, mỗi năm, gia đình anh Hưng thu về trên dưới 700 triệu đồng. Sau khi trừ khi phí, gia đình anh còn lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. 

Theo anh Hưng, trên thị trường hiện có nhiều loại như dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, dừa xiêm vàng, dừa dâu, dừa dứa,... riêng dừa đỏ Mã Lai được thị trường ưa chuộng. Giống dừa này được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây. So với các giống dừa khác thì dừa Mã Lai cho năng suất rất cao, cây lùn, sai trái và rất dễ thu hoạch. Dừa Mã Lai được người tiêu dùng yêu thích bởi nước ngọt, cơm mềm và rất ngon.

Hiện nay, một số nông dân tại huyện Cát Tiên cũng đã chọn cây dừa Mã Lai vào canh tác, phát triển kinh tế gia đình. Mặc dù, dừa Mã Lai rất dễ trồng, dường như bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, theo anh Hưng, để cây cho năng suất cao và chất lượng thì người nông dân cần lưu ý một số vấn đề như chọn vùng đất trồng phù hợp, giàu dinh dưỡng, khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng; giống dừa Mã Lai phải chất lượng, không bị trầy xước và sâu bệnh; nên trồng dừa Mã Lai vào mùa mưa để tận dụng được nguồn nước tốt, giúp cây phát triển nhanh và năng suất cao; chăm sóc và kiểm tra sâu bệnh thường xuyên, có giải pháp khắc phục ngay từ đầu nếu có dấu hiệu sâu bệnh; bón phân theo định kỳ để dừa Mã Lai cho năng suất cao, tăng cao hiệu quả kinh tế. 

Đặc biệt, ở khâu bón phân cho cây dừa, khi bón phân cần đảm bảo đúng cách, đúng kỹ thuật. Có 2 cách bón, thứ nhất là xới đất xung quanh gốc dừa, bón phân xong lấy bùn dưới mương ốp lên một lớp mỏng (3 - 5 cm) vừa tránh bị trôi phân vừa tạo độ ẩm giúp phân hòa tan nhanh và đều; cách thứ hai là đào khoảng 4 - 5 lỗ nhỏ ở xung quanh gốc dừa rồi cho phân vào lỗ tưới nước, từ đây, chất dinh dưỡng sẽ thấm qua nền đất vòng quanh gốc mà không bị lãng phí hạt phân nào ra ngoài môi trường. Đồng thời, để dừa đạt năng suất, bên cạnh bón phân hóa học, nhà vườn phải chú trọng bón các loại phân hữu cơ, sinh học.

Ông Đồng Hoài An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Ngãi cho biết, mô hình trồng dừa Mã Lai chỉ mới xuất hiện trên địa bàn trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ mô hình này mang lại rất ấn tượng. Đây là loại cây dễ trồng, không yêu cầu quá cao về kỹ thuật chăm sóc cũng như nguồn vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trái dừa Mã Lai rất rộng mở. Hiện nay, Hội Nông dân xã Quảng Ngãi cũng đã tổ chức giới thiệu sâu rộng đến bà con nông dân trong xã để học tập, nhân rộng mô hình. Đây là một trong những mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu nên rất cần được nhân rộng.