Chuyện cây dâu, con tằm ở Lộc Tân

KHÁNH PHÚC 06:34, 30/10/2023

Dựa trên những nền tảng sẵn có về nghề trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương, xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) đang triển khai dự án phát triển nghề truyền thống này. Dự án được triển khai hướng tới các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Thôn 6 và về lâu dài sẽ nhân rộng ra toàn xã.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân xã Lộc Tân
Nghề trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân xã Lộc Tân

ĐỊA PHƯƠNG ĐI ĐẦU

Nếu như toàn huyện Bảo Lâm đang có gần 600 ha dâu tằm, thì xã Lộc Tân là địa phương dẫn đầu khi có gần 300 ha, với hàng trăm hộ dân đầu tư phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. 

Là xã thuần nông, hiện Lộc Tân có hơn 1.900 hộ dân, với hơn 8.000 nhân khẩu, sinh sống trải đều trên địa bàn 7 thôn. Trong đó, có 68% dân số là đồng bào DTTS Mạ, K’Ho sống tập trung tại các Thôn 1, 2, 3 và Thôn 6. Cùng với cà phê, chè chất lượng cao và một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng thì cây dâu tằm được xã Lộc Tân xác định là loại cây trồng chủ lực. Từ đó, đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm trở thành nghề truyền thống tạo đột phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân địa phương.

Theo những bậc cao niên tại địa phương, thì cây dâu, con tằm đã bắt đầu phát triển ở Lộc Tân từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thế nhưng do đặc thù là nghề “ăn cơm đứng” với nhiều nỗi gian truân, nên cây dâu, còn tằm chưa được người dân chú trọng đầu tư phát triển. Mãi đến năm 2018, người dân địa phương đã bắt đầu thay đổi tư duy, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để biến cái nghề “ăn cơm đứng” trở thành nghề nhàn rỗi mang lại thu nhập cao.

Theo thống kê, hiện toàn xã Lộc Tân có hơn 600 hộ dân đang phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, với diện tích từ 0,5 đến 2 ha dâu. Trong đó, có trên 50% số hộ đồng bào DTTS phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và có được nguồn thu nhập ổn định. Từ năm 2022 đến nay, nhờ giá kén tằm luôn ổn định ở mức cao từ 190 đến 210 ngàn đồng/kg đã thúc đẩy nghề trồng dâu, nuôi tằm tại Lộc Tân phát triển mạnh.

Ông Vũ Văn Sơn - Tổ trưởng Tổ hợp tác Dâu tằm tơ Thái Sơn (xã Lộc Tân), cho biết: Sau nhiều năm thành lập đến nay, Tổ hợp tác đã có gần 300 tổ viên trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn xã cùng tham gia sinh hoạt. Trong đó, có hơn 65% tổ viên tham gia Tổ hợp tác là bà con đồng bào DTTS. Hàng năm, Tổ hợp tác đều tổ chức nhiều đợt tập huấn nâng cao kiến thức, khoa học - kỹ thuật cho tổ viên; đồng thời, bà con tổ viên còn cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn cung cấp giống tằm con, nhận thu mua kén nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ để bà con yên tâm phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Bà Đậu Thị Vân, ngụ tại Thôn 3 (xã Lộc Tân), chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có 2 ha đất sản xuất nông nghiệp trồng cà phê. Năm 2020, khi cà phê đã quá già cỗi cho năng suất thấp, nên gia đình tôi chủ động chuyển 1,5 ha qua trồng dâu, nuôi tằm. Với diện tích dâu hiện có, cứ mỗi tháng, gia đình tôi nuôi từ 5 - 6 hộp tằm và có được nguồn thu nhập ổn định từ 35 - 40 triệu đồng/tháng”.

• ĐỂ HỘ NGHÈO KHÔNG CÒN NGHÈO

Xã Lộc Tân hiện còn 82 hộ nghèo và 129 hộ cận nghèo, chiếm 11,1% số hộ của toàn xã. Phần lớn hộ nghèo, cận nghèo của địa phương tập trung vào các hộ đồng bào DTTS. Cùng với đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhưng thu nhập không ổn định và có nguy cơ tái nghèo. Từ những kết quả mang lại, xã Lộc Tân đã xây dựng và đang triển khai Dự án Phát triển nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm tới các hộ dân. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. 

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch xã Lộc Tân, cho biết: “Địa phương đã và đang huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nhà tài trợ cùng nguồn đối ứng của người dân để triển khai dự án. Địa phương cũng đã lựa chọn 32 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại Thôn 6 để hỗ trợ bà con phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm trên diện tích khoảng 6 ha. Theo đó, các hộ dân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng để xây dựng nhà nuôi tằm; đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm miễn phí do địa phương mời các chuyên gia hướng dẫn. Cùng với đó, địa phương sẽ bố trí cán bộ khuyến nông trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp bà con tiếp cận với nghề trồng dâu, nuôi tằm”.

Hiện tại, các hộ tham gia dự án đang tiến hành cải tạo đất và xuống giống dâu. Từ tháng 11/2023 đến đầu năm 2024, xã Lộc Tân sẽ cấp kinh phí để các hộ dân xây dựng nhà nuôi tằm, mua nong, né và các dụng cụ cần thiết đáp ứng tốt nhất cho việc trồng dâu, nuôi tằm.

Ông K’Tôl - Trưởng Thôn 6 (xã Lộc Tân), cho biết: Phần lớn các hộ dân tham gia dự án là bà con đồng bào DTTS, bước đầu cho thấy bà con rất hăng hái tiếp cận với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Các hộ dân đã chủ động cải tạo từ 2 - 3 sào đất hiện có chuyển qua trồng dâu; đồng thời, tích cực tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm đang được UBND xã Lộc Tân tổ chức.

Theo dự kiến, trong năm 2024, xã Lộc Tân tiếp tục triển khai dự án và nhân rộng ra tất cả các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn xã, với diện tích trồng dâu, nuôi tằm khoảng 20 ha. Từ đó, giúp bà con có được nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững và gắn bó lâu dài với nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm, cho biết: Để hỗ trợ người dân từng bước khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm một cách bền vững, bên cạnh việc hỗ trợ về vốn đầu tư cũng như giống cây, kỹ thuật trồng dâu và nuôi tằm, Trung tâm Nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp huyện cũng xác định tầm quan trọng của việc sản xuất theo chuỗi liên kết. Làm sao để từ khâu giống, chăm sóc và tiêu thụ đều được đảm bảo ổn định cho người nông dân yên tâm mở rộng sản xuất. Vì thế, Dự án Phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm hướng tới hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS mà xã Lộc Tân đang triển khai sẽ mở ra cơ hội giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo bền vững.