Dáng người nhỏ bé, nước da ngăm đen, cựu chiến binh (CCB) Phan Văn Thế (sinh năm 1963) luôn toát lên sự chân thành, thân thiện và nhanh nhẹn. Ở xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm), ông được biết đến như một “tỷ phú chân đất” làm kinh tế giỏi và là người luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng đội phát triển sản xuất.
CCB Phan Văn Thế (trái) cùng với đối tác kinh doanh tham quan vườn sầu riêng |
Kể về mình, ông Thế chia sẻ, năm 1979, ông nhập ngũ và công tác tại đơn vị C2, Xưởng A37, Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông về quê, nhưng cuộc sống nhiều khó khăn nên năm 1984, ông quyết định đưa mẹ già và vợ con rời vùng chiêm trũng Lý Nhân (Hà Nam) vào Đồng Nai sinh sống. Khởi đầu bằng việc trồng mía cho nông trường, sau 11 năm kiên nhẫn làm lụng và tích góp, một lần nữa, ông đưa gia đình đến vùng đất mới lập nghiệp - xã Lộc Nam, Bảo Lâm, với hi vọng có cuộc sống tốt hơn.
Về Lộc Nam, để có đất sản xuất, ông Thế dùng toàn bộ số tiền tích góp mua hơn 5 ha đất để đầu tư trồng chè và cà phê. Về sau, nhận thấy mô hình trồng xen cà phê và sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, ông quyết định chuyển đổi và mua hơn 200 cây giống sầu riêng Dona về trồng xen với 2 ha cà phê.
Do thiếu kinh nghiệm trồng, chăm sóc sầu riêng, những năm đầu, diện tích sầu riêng của gia đình kém phát triển, bị úa, héo và chết nhiều. Không nản lòng, “khó ở đâu, gỡ ở đó”, ông Thế lặn lội đi Tiền Giang và nhiều huyện khác để tham quan, học hỏi các mô hình trồng sầu riêng hiệu quả. Sau khi nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng đúng cách, diện tích cà phê xen sầu riêng của gia đình dần cho sản lượng và chất lượng ổn định. Ông chia sẻ: “Muốn sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt cần cung cấp lượng nước cho cây đầy đủ và bón phân đúng thời điểm; nắm bắt và phòng trừ các loại bệnh nấm gây hại”.
Đặc biệt, diện tích cà phê và sầu riêng của gia đình được ông chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ngoài những loại phân vi sinh thông thường, ông Thế còn tạo ra nước tưới phòng trừ sâu bệnh cho sầu riêng từ lá lốt. “Trong quá trình trồng trọt, tôi nhận thấy, lá lốt không có sâu bệnh, do đó, tôi ép chiết xuất loại cây này thành nước và phun tưới cho cây trồng”, ông Thế nói. Khi giá thành của chuối và bơ rẻ, ông Thế dùng hai loại trái cây này ủ làm phân, bón cho sầu riêng. “Qua quá trình áp dụng, hiệu quả thấy rõ, sầu riêng giảm sâu bệnh, cho sản lượng cao, chất lượng tốt. Từ cách này, nông dân không chỉ giảm chi phí phân bón mà còn đảm bảo được sức khỏe của bản thân, gia đình và người tiêu dùng”, ông Thế chia sẻ.
Với hơn 150 cây sầu riêng đang cho thu hoạch, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi vụ, gia đình ông thu về trung bình khoảng 30 tấn quả. Riêng năm nay, vườn sầu riêng của gia đình cho năng suất cao, đạt hơn 40 tấn quả, mang về cho gia đình nguồn thu nhập gần 2 tỷ đồng. Cùng với cà phê và chè, trung bình thu nhập mỗi năm của gia đình khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Dù có cuộc sống, thu nhập khá giả, nhưng chưa bao giờ ông Thế cho phép mình ngơi nghỉ, hằng ngày, ông vẫn cùng vợ con siêng năng lao động, sản xuất, không ỷ lại. Với ông, đây là niềm vui lao động, cũng là làm gương cho con cháu noi theo. Vươn lên làm giàu từ khó khăn, ông luôn giữ quan niệm “khó khăn đến mấy mà bản thân cố gắng thì sẽ vượt qua và đạt được quả ngọt, bởi lửa thử vàng, gian nan thử sức”.
Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, ông Thế còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn khoa học - kỹ thuật chăm sóc cà phê, sầu riêng cho năng suất, chất lượng tốt. Với những CCB khó khăn, ông còn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí mua cây giống giúp đồng đội phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. “Bản thân đã đi lên từ nghèo khó thì nên càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nghèo, do vậy, tôi luôn cố gắng giúp được nhiều người trong khả năng của mình”, ông Thế chia sẻ.
Với các phong trào hoạt động của Hội và địa phương, khi địa phương cần, ông đều nhiệt tình tham gia, ủng hộ ngày công và tiền bạc, góp sức xây dựng Lộc Nam, Bảo Lâm thêm giàu đẹp. Riêng với Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Thế là tấm gương sáng khi tự nguyện hiến hơn 2 sào đất giá trị cao để mở rộng đường giao thông nông thôn; đồng thời, tích cực động viên bà con thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nhận xét về CCB Phan Văn Thế, ông Trần Ngọc Biên - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Bảo Lâm chia sẻ: “Trong quân ngũ, đồng chí Thế hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi về với cuộc sống đời thường, ở địa phương, đồng chí lại là tấm gương sáng cho CCB noi theo. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt mà còn là người rất nhiệt tình trong công tác Hội và phong trào, hoạt động của địa phương”. Riêng với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng của huyện Bảo Lâm, đồng chí Thế còn chủ động liên kết tiêu thụ sầu riêng với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước; qua đó, đảm bảo đầu ra và thu nhập cho bà con nông dân.
Với những thành tích nổi trội trong công tác xã hội cũng như trong phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm liền, CCB Phan Văn Thế đều được Hội CCB huyện, Hội CCB tỉnh Lâm Đồng khen thưởng. Đặc biệt, ông Thế cũng từng vinh dự được Trung ương Hội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua CCB làm kinh tế giỏi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin