(LĐ online) - Trước đây, khi nhắc đến vùng đất Đa Quyn (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) mọi người thường nghĩ tới, đây là điểm nóng của nạn đào đãi vàng trái phép, các con suối, hẻm rừng bị cày xới tơi tả. Dòng người tứ xứ đổ về làm xáo trộn buôn làng. Khi nạn khai thác khoáng sản trái phép được khống chế, cuộc sống yên bình trở lại, những người con các dân tộc Churu, K’Ho... mộc mạc, chân chất, nhưng rất đỗi thủy chung, chung tay xây dựng vùng đất này ngày càng no ấm.
Người dân Đa Quyn làm chuồng trại, trồng cỏ để nuôi bò |
ĐẤT MỎ HỒI SINH
Từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước; thậm chí những năm đầu của thế kỷ 21, Đa Quyn vẫn là điểm nóng của nạn khai thác vàng trái phép. Vùng đất yên bình một thời cũng dần dần nhường chỗ cho sự náo động của những đoàn người đến mưu sinh. Tiếng động cơ khai thác quặng gầm rú đêm ngày; sự nhốn nháo, nhếch nhác của những quán lều xiêu vẹo dọc các con suối, hẻm rừng; những trò tiêu khiển trác táng của những kẻ “ăn quặng” trúng mánh, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng thuận của người dân, nạn khai thác khoáng sản trái phép nơi đây được dẹp bỏ. Nhưng, hệ lụy của nó để lại không hề nhỏ, kéo dài nhiều năm, nhất là cuộc sống của người dân đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Trước thực trạng đó, cùng với sự đầu tư của Nhà nước với nhiều chương trình, dự án, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đạ Quyn đã chăm chỉ làm ăn, xây dựng kinh tế gia đình. Thời gian đầu, thực hiện theo phương châm cán bộ khuyến nông cầm tay chỉ việc trong canh tác các loại cây lương thực như lúa, bắp, mì… và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khi triển khai một mô hình, được bám sát với nhu cầu thực tế của từng hộ gia đình, cũng như trình độ canh tác của người dân, và được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai những mô hình sau được tốt hơn. Từ đó, những cách làm hay, những mô hình kinh tế hiệu quả được người dân trong vùng chú trọng học hỏi, nhân rộng. Chỉ trong vòng khoảng 10 năm, cái đói, cái nghèo ở Đa Quyn từng bước được đẩy lùi. Nhiều hộ dân không chỉ làm ăn no đủ, mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố; an ninh trật tự thôn, buôn luôn được giữ vững.
THAY ĐỔI NẾP NGHĨ, CÁCH LÀM
Mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi ghé thăm một ngôi nhà mới khang trang trị giá trên 1,2 tỷ đồng, ngay đầu thôn Ma Bó. Anh Ya Thuyên là chủ nhân của ngôi nhà vui vẻ tiếp chuyện: “Không giấu gì các anh, bà con ở vùng “đất mỏ” nay đã đổi thay lắm rồi, có của ăn, của để; ít khi phải nghĩ đến cái ăn, cái mặc như trước đây nữa”. Đứng trên thửa đất chừng 4 sào, được trồng cà chua theo hướng công nghệ cao, ai ngờ rằng, chính mảnh vườn này trước đây rất nhiều hố sâu do nạn khai thác vàng, sau này được Ya Thuyên san lấp để trồng bắp và nay là chuyển sang trồng rau thương phẩm. “Hệ thống tưới tự động rất thuận lợi, giảm chi phí, giảm nhân công, năng suất lao động lại cao. Hơn nữa, thuốc, phân mình tưới theo đường ống nước rất đều, cây không bị cháy, sâu bệnh ít, hiệu quả kinh tế cao”, Ya Thuyên cho biết. Nhờ trồng cà chua, nên bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu được trên 200 triệu đồng. Đến nay, toàn xã Đa Quyn có trên 400ha rau thương phẩm được canh tác theo hướng công nghệ cao.
Ngoài ra, người dân nơi đây còn đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Trước đây, bà con chủ yếu thả rông đàn gia súc nên hiệu quả kinh tế không cao. Nay, người dân chú trọng làm chuồng trại, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, vệ sinh phòng chống dịch bệnh tốt, nên đàn trâu và bò phát triển nhanh. Tổng đàn trâu và bò của Đa Quyn hiện đạt trên 2.700 con; có nhiều gia đình chăn nuôi theo quy mô trang trại từ 30 đến 50 con/hộ dân. Đây cũng là điều kiện tốt, tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có bón cho các loại cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND xã Đa Quyn cho biết: “Để nền nông nghiệp mang hiệu quả cao trong thời gian tới, điều tất yếu là phải sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đối với người dân Đa Quyn, chúng tôi làm các mô hình để bà con học tập, chuyển giao khoa học đến tận hộ dân, thành lập các chuỗi liên kết trong sản xuất đảm bảo đầu ra cho người dân. Về chăn nuôi thì chú trọng phát triển đàn bò, nhất là các giống bò nhập ngoại, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”. Toàn xã hiện có trên 1.200 hộ dân, với trên 5.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 85%; cái đói không còn nữa, cái nghèo từng bước được đẩy lùi; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, và có hàng chục hộ dân trở thành hộ khá và giàu.
Đa Quyn - đất dữ thực sự đã lành. Cuộc sống yên bình, no đủ hiện hữu ở những mái nhà, mọi nẻo thôn buôn. Trong những bộ quần áo mới tinh tươm của lũ trẻ đến trường, người già chăm chút khăn choàng, áo ấm khi trời chuyển lạnh; mọi người quây quần bên choé rượu cần không vơi, râm ran câu chuyện về những vụ mùa bội thu…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin