Lâm Đồng thời gian qua đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là tập trung cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng… Song song đó, các cơ quan, đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước tại địa phương.
Lâm Đồng đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư |
Vừa qua, UBND tỉnh đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh IOC tỉnh Lâm Đồng. Tại địa bàn các huyện, thành phố, có 8 địa phương đã đưa Trung tâm IOC vào hoạt động, gồm: TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc; các huyện Lạc Dương, Đạ Tẻh, Đam Rông, Bảo Lâm, Đơn Dương. Việc các Trung tâm IOC cấp tỉnh, huyện đi vào hoạt động là tiền đề quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ.
Cùng với các giải pháp tăng cường chuyển đổi số, từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành hơn 20 văn bản, chỉ thị chỉ đạo thực hiện các lĩnh vực cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương công vụ trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, Lâm Đồng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp nêu trên đã được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao vai trò, tính sáng tạo, quyết đoán của người đứng đầu trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, điểm số và thứ hạng về cải cách hành chính năm 2022 tăng đáng kể so với năm 2021 (đạt 86,72/100 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố và tăng 14 bậc).
Ngoài ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên (hàng tuần, hàng tháng) chỉ đạo và làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công dự án. Các địa phương đã chủ động rà soát quỹ đất, các khu vực có khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đề xuất dự án hoặc lập quy hoạch. UBND tỉnh cũng thực hiện hiệu quả việc tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ 1 lần/tháng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như duy trì tốt các chương trình truyền hình trực tiếp “Đối thoại về cải cách hành chính”.
Thống kê 9 tháng năm 2023, địa phương có 997 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 7.418,1 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 554 doanh nghiệp; có 248 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 14,5% so cùng kỳ. Có 35 dự án được điều chỉnh nội dung dự án đầu tư, với số vốn đăng ký điều chỉnh tăng 128,1 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất tăng 29,4 ha. Riêng trong 9 tháng năm 2023, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án sử dụng vốn đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký đầu tư 643,6 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 57,8 ha; cắt giảm 60 thủ tục hành chính và bãi bỏ 41 văn bản quy phạm pháp luật do hết hiệu lực. Tổ chức Hội nghị hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ (ngày 31/8/2023); hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ khảo sát một số dự án kêu gọi đầu tư và các trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh Lâm Đồng, tiến hành ký kết 50 Biên bản ghi nhớ và Hợp đồng nguyên tắc.
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường để thu hút đầu tư trong các tháng nướt rút cuối năm 2023, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tập trung duy trì tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh, khắc phục tình trạng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và phòng cháy, chữa cháy cho các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác ưu tiên rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, đất đai, xây dựng,... nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là triển khai quyết liệt, có hiệu quả Kế hoạch số 7194/KH-UBND, ngày 17/8/2023 của UBND tỉnh khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 và các năm tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin