Một hợp tác xã (HTX) non trẻ, chuyên sâu vào trồng - chế biến - tiêu thụ hạt maccadamia, thứ cây đang bén rễ trên vùng cao nguyên Di Linh. Với khát vọng vào tương lai của thứ hạt đặc sản này, HTX đã tìm ra những lối đi riêng, dựa trên lợi thế của hạt macca Lâm Đồng.
Chế biến hạt macca tại HTX DiLin |
Chị Phạm Thị Út - Giám đốc HTX Kinh doanh TM DV Chế biến nông sản DiLin, đóng chân trên địa bàn Thôn 1, xã Hòa Nam, huyện Di Linh “khoe” tin mừng, HTX mới nhận được một đơn hàng xuất khẩu thử hạt macca sấy khô sang thị trường Đài Loan. Chị cho biết, từ khi HTX thành lập, đây là đơn hàng xuất khẩu đầu tiên và cả 11 thành viên của HTX đều đang rất cố gắng để hoàn thành. Chị Út chia sẻ: “Tất cả 11 thành viên HTX đều là nông dân ở cùng địa bàn Thôn 1. Chúng tôi xuất phát từ chính việc tiêu thụ trái macca thu hoạch trong vườn nhà, muốn nâng cao giá trị nông sản địa phương. Dần dần, HTX được thành lập và mở rộng sản xuất như hiện nay”.
Chị Phạm Thị Út chia sẻ, nông dân Hòa Nam vốn quen trồng cà phê. Sau này, khi ngành Nông nghiệp đưa cây macca về trồng xen để tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và thu nhập từ trái, bà con cũng trồng xen khá nhiều. Ban đầu, khi có trái thu hoạch, chị cũng như bà con thường hái bán cho các nhà rang, cơ sở chế biến hạt. Sau đó, nhận thấy nhu cầu thị trường về hạt macca sấy nứt tăng mạnh, chị Út mạnh dạn cùng bà con có diện tích macca lân cận thành lập HTX, tập trung nguồn vốn để mua máy móc chế biến, vừa tiêu thụ hết macca vườn nhà, vừa thu mua macca quanh vùng Di Linh, Lâm Hà, thậm chí sang Đắk Nông, Đắk Lắk và thu mua cả tận ngoài Thanh Hóa.
Bắt đầu chỉ từ các nông hộ thành viên trong HTX, từ một máy dập nhỏ và một chiếc lò sấy đơn giản, cơ hội sản xuất ngày càng mở rộng, lượng thu mua mỗi ngày mỗi lớn, HTX DiLin mở rộng dần quy mô sản xuất. Hiện HTX đang có 2 nhà xưởng với dây chuyền chế biến từ tách vỏ, dập, sấy nứt… cho tới đóng gói, vận chuyển. Chị Phạm Thị Út chia sẻ: “Hiện, sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như lazada, shopee và các cửa hàng bán lẻ. Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) rất hiệu quả với HTX do chi phí thấp, bán tận tay người tiêu dùng, tối ưu hóa quy trình logistics. Tuy nhiên, việc bán hàng trên sàn TMĐT cũng yêu cầu chúng tôi phải cố gắng rất nhiều. Đó là chất lượng sản phẩm phải đảm bảo vì khách hàng được hoàn - hủy hàng rất dễ. Đồng thời, HTX không được để đứt nguồn hàng, luôn phải có hàng ngon, đẹp cung cấp cho khách, tránh tình trạng thiếu hàng, khách sẽ bỏ qua gian hàng rất nhanh”. Ngoài hạt macca sấy nứt truyền thống, chị Út và nhiều thành viên HTX còn chế biến macca thành sữa hạt macca, bánh ngói macca…, những mặt hàng chế biến từ loại hạt dinh dưỡng.
Để đáp ứng yêu cầu luôn đầy đủ hàng - chất lượng đảm bảo của khách, HTX DiLin dựa chính vào thời gian thu hoạch kéo dài của hạt macca Việt. Chị Phạm Thị Út tính toán, hạt macca Việt không chín trùng vào một thời gian mà kéo dài gần như quanh năm. Macca Di Linh thu hoạch ngay sau Tết Âm lịch, khoảng tháng 3. Sau đó tới vụ thu hoạch macca Lâm Hà, Bảo Lâm, lan dần sang Đắk Nông, Đắk Lắk. Riêng vùng macca phía Bắc như Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu sẽ cho thu hoạch vào cuối năm, từ tháng 10 tới sát tết. Bởi vậy, khi tạo được liên kết tiêu thụ, HTX DiLin có được nguồn hạt maca tươi để chế biến gần như quanh năm. Chị Út cho biết: “HTX có 2 dàn máy sấy với công suất 5 tấn tươi/mẻ. Chúng tôi sử dụng công nghệ sấy chậm, 72h/mẻ nên lượng nước trong hạt được rút chậm, đảm bảo hạt không đổ đầu, giữ được chất lượng ngon nhất có thể. Năm 2022, HTX thu mua và chế biến 400 tấn tươi, tương đương 150 - 200 tấn sản phẩm thành phẩm”.
Mục tiêu của HTX DiLin còn cao hơn, xa hơn, đó là đưa hạt macca đi xa, chị Phạm Thị Út chia sẻ. Tuy nhiên, vấn đề của cây macca Việt nói chung là sản lượng còn thấp, chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn. Chị Út đánh giá: “Macca Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng được thị trường đánh giá rất cao về chất lượng. Chúng tôi rất hi vọng trong thời gian tới, sản lượng macca tăng lên, các nhà chế biến sẽ có đủ sản lượng để thực hiện những đơn hàng lớn”.
Ông Hoàng Xuân Hóa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Di Linh đánh giá, HTX Kinh doanh TM DV Chế biến nông sản DiLin là mô hình kinh tế tập thể có kết quả sản xuất, kinh doanh hiệu quả. HTX là tập thể của những người nông dân vừa trồng trọt, vừa chế biến nông sản và thu mua, mở rộng thị trường tiêu thụ cho cây macca, cây trồng xen đang phát triển trên địa bàn huyện.
Chị Phạm Thị Út thông tin, HTX đang xây dựng sản phẩm macca từ OCOP 3 sao lên OCOP 4 sao. HTX được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Di Linh hỗ trợ kinh phí tư vấn để đạt chứng nhận HACCP, chứng chỉ an toàn cho nhà xưởng sản xuất. Đồng thời, HTX cũng đạt Chứng chỉ bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn cần thiết cho sản phẩm OCOP 4 sao.
Trung tâm Khuyến công tỉnh Lâm Đồng cũng đang xúc tiến hỗ trợ máy móc, công nghệ nhằm đồng hành cùng HTX nâng cao sản lượng, chất lượng hạt macca.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin