Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác trên địa bàn huyện Lâm Hà phát triển sản xuất, mở rộng chăn nuôi...
Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện, đến nay, gia đình của chị K’Thú đã ổn định thu nhập |
• VỐN CHÍNH SÁCH ĐÃ TRỞ THÀNH “ĐÒN BẨY”
Trong câu chuyện của bà K’Hiếu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, chúng tôi được biết đến hoàn cảnh gia đình của chị K’Thú - một trong những thành viên đang vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện. “Trong 41 thành viên, gia đình K’Thú có phần khó khăn và hoàn cảnh éo le hơn. Ba mẹ mất từ khi K’Thú lên lớp 7, gia đình hiện có 5 người. Ngoài vợ chồng và hai con, K’Thú đang phải nuôi thêm người anh trai bị tàn tật và mất sức lao động. Gia đình nằm trong diện nghèo, K’Thú được Ngân hàng CSXH cho vay 100 triệu đồng để trồng dâu, nuôi tằm, nuôi bò”, bà K’Hiếu chia sẻ.
Giới thiệu với chúng tôi về diện tích dâu tằm trồng cách đây 2 năm, chị K’Thú phấn khởi nói: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, muốn phát triển kinh tế cũng không có vốn để làm nhưng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng, gia đình tôi từng bước được ổn định. Đến nay, gia đình có 1 sào dâu tằm, mỗi tháng nuôi một hộp tằm. Sau khi trừ hết chi phí, thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình đang nuôi thêm 4 con bò để tăng thêm nguồn thu”.
Trong thời gian qua, để nguồn vốn được phát huy hiệu quả, việc lựa chọn đối tượng cho vay vốn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay là rất quan trọng. Bà K’Hiếu chia sẻ thêm: “Trước khi vay vốn, tổ chúng tôi đều họp xét, công khai các trường hợp được vay vốn đảm bảo đúng đối tượng. Sau khi vay vốn, Tổ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của các hộ được vay đảm bảo đúng mục đích và phát huy hiệu quả đồng vốn.
Cùng với gia đình chị K’Thú, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Lâm Hà đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả, no ấm nhờ nguồn vốn tín dụng CSXH. Ông Bạch Văn Trường - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà cho biết: “Khi các khách hàng có nhu cầu vay vốn, Ngân hàng CSXH huyện sẽ cùng cấp ủy, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương, trưởng thôn, tổ dân phố cùng rà soát, bình xét lựa chọn đúng những đối tượng đủ điều kiện. Đồng thời, định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp tiềm năng, thế mạnh để bảo đảm hiệu quả đồng vốn vay”.
• ĐÁP ỨNG NHU CẦU NGUỒN VỐN CHO VAY
Để đồng vốn được đến với hộ nghèo và hộ cận nghèo, thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi. Thông qua các biện pháp đồng bộ như tổ chức xây dựng mạng lưới điểm giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn, tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV... hàng tháng, các hội, đoàn thể phối hợp với cán bộ ngân hàng rà soát nợ đến hạn, đôn đốc xử lý nợ ngắn hạn và khảo sát phương án vốn vay của các hộ vay theo đúng quy định.
Đến ngày 30/9, tổng dư nợ ủy thác cho các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Lâm Hà là trên 489,2 tỷ đồng với 302 tổ, 11.661 hộ vay, chiếm 99,88% tổng dư nợ, tăng 31,9 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ quá hạn 740 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,15%/tổng dư nợ, tăng 178 triệu đồng so với đầu năm. Số dư huy động vốn dân cư của hội, đoàn thể là trên 13,2 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch.
Cũng trong thời gian này, tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ TK&VV có số dư có là 30.2 tỷ đồng, tăng gần 3,5 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 6,19 % trên tổng dư nợ với số dư tiền gửi bình quân trên hộ hơn 2,5 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ về vay vốn, thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà đã giúp xây dựng 3.046 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đầu tư trên 1.500 ha cà phê; tạo việc làm cho 328 lao động…
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhấn mạnh: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH huyện không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân mà còn góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn vay ưu đãi thực sự trở thành điểm tựa giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn giảm nghèo bền vững. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2022 từ 4,73% xuống còn 3,7% và tạo điều kiện cho 724 hộ nghèo, vay vốn với số tiền trên 42,1 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện đến cuối năm 2022 đạt 57,3 triệu đồng/người/năm.
“Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, thị trấn. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, cập nhật các văn bản, quy định, chính sách mới tại các điểm giao dịch để người dân nắm bắt, tiếp cận các nguồn vốn vay nhanh chóng. Đồng thời, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và các nguồn vốn khác để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà Bạch Văn Trường khẳng định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin