(LĐ online) - Theo báo cáo của Công ty Nhôm Lâm Đồng trình UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành của tỉnh cho thấy, do đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang tiềm ẩn nguy cơ thiếu quỹ đất khai thác quặng bauxite trong thời gian tới. Điều này, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty nếu không có phương án giải quyết kịp thời.
Nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đang tiềm ẩn nguy cơ thiếu quặng bauxite để sản xuất alumin của Công ty Nhôm Lâm Đồng trong thời gian tới |
Báo cáo của Công ty Nhôm Lâm Đồng nêu rõ: Khu vực 5 năm, giai đoạn 2020-2024 có diện tích 320,12 ha (sau khi đã trừ gần 7ha rừng tự nhiên) được Công ty và các đơn vị liên quan thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng từ năm 2019. Đến nay, 248,8 ha đã có quyết định thu hồi đất (chiếm 78%), trong đó đất của hộ gia đình, cá nhân là 223,4 ha, đất lâm nghiệp 25,4 ha. Diện tích 71 ha còn lại chưa đền bù giải phóng mặt bằng, ngoài đất của các hộ gia đình, cá nhân thì chủ yếu là đất rừng, thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri (13,4 ha) và đất do Công ty Vĩnh Tiến, Công ty Vĩnh Lộc quản lý (30,4 ha).
Hiện nay, vẫn còn 7/21 hộ dân với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng được UBND huyện Bảo Lâm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng người dân chưa đồng ý và chưa nhận tiền. Trong 30,4 ha đất của hai công ty Vĩnh Tiến và Vĩnh Lộc thuộc khu vực 5 năm, giai đoạn 2020-2024, có 25 hộ dân với diện tích 7,3 ha đang có tranh chấp với doanh nghiệp. Hiện, việc tranh chấp đất đai giữa 25 hộ dân với hai doanh nghiệp trên vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết.
Cũng theo Công ty Nhôm Lâm Đồng, đối với đền bù giải phóng mặt bằng 5 năm giai đoạn 3, hiện nay đơn vị đã họp dân thông báo chủ trương thu hồi đất, các đơn vị tư vấn đã thực hiện kiểm kê hiện trạng trên diện tích 20 ha. Theo kế hoạch, từ tháng 11/2023 phải có tối thiểu 30 ha để đưa vào khai thác quặng phục vụ sản xuất, chế biên alumin ngay khi quỹ đất của giai đoạn 2 không còn.
Trong thời gian qua, mặc dù đã được các cơ quan địa phương quan tâm xử lý nhưng do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và trách nhiệm, cấp thẩm quyền xử lý nên tiến độ còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Do đó, đất cho khai thác quặng bauxite đang là vấn đề cấp bách, dự kiến nếu đến cuối tháng 10/2023 không có thêm quỹ đất thì nguy cơ dừng nhà máy là rất cao.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Nhôm Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tiếp tục hỗ trợ đơn vị trong việc giải phóng mặt bằng thu hồi đất khu vực 5 năm giai đoạn 3 theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin