Phi Liêng: Đổi thay từ cây dâu, con tằm

NHẬT QUỲNH 06:08, 24/10/2023

Chi phí đầu tư ban đầu không quá cao, kỹ thuật nuôi trồng không khó, thu hồi vốn nhanh, cho thu nhập ổn định, trồng dâu, nuôi tằm đã và đang được nhiều nông dân ở xã Phi Liêng (huyện Đam Rông) lựa chọn để phát triển sản xuất. Nhờ cây dâu, con tằm, nhiều hộ không chỉ vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn tự tin làm giàu. 

Thu nhập, đời sống của bà con đồng bào DTTS Phi Liêng được nâng lên rõ nhờ cây dâu, con tằm
Thu nhập, đời sống của bà con đồng bào DTTS Phi Liêng được nâng lên rõ nhờ cây dâu, con tằm

Là một trong những hộ đồng bào DTTS đầu tiên của thôn Bóp Lé chuyển đổi trồng dâu, nuôi tằm, chị K’Biển - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Nhiều năm trước, như nhiều hộ nông dân của thôn, nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào 7 sào cà phê và gần 3 sào lúa ruộng. Đến năm 2020, nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng dâu, nuôi tằm, gia đình chị đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa kém năng suất sang trồng dâu. 

“Ban đầu, việc trồng dâu, nuôi tằm khá khó khăn vì chưa quen với kỹ thuật, nhưng khi đã quen và nắm được đặc tính của tằm thì trồng dâu, nuôi tằm không quá khó. Đặc biệt, mô hình này cho thu nhập ổn định mà chi phí đầu tư không quá cao”, chị K’Biển nói. Với 1 sào dâu, một tháng gia đình chị nuôi gối đầu 2 lứa tằm, khoảng 60 kg kén, có thể thu về khoảng 16 triệu đồng. Tính trung bình mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình chị thu về khoảng 150 triệu đồng từ cà phê và kén tằm; nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng được nâng cao. 

Thôn Bóp Lé hiện có khoảng hơn 270 hộ dân, theo chị K’Biển, trước đây, số hộ trồng dâu, nuôi tằm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến đầu năm 2022, nhờ địa phương tích cực hỗ trợ, nhiều bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm. “Hiện, tại thôn đã có hơn 100 hộ chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm; trong đó, có 68 hộ là đồng bào DTTS. Nhờ trồng dâu, nuôi tằm, nhiều gia đình có được thu nhập ổn định, một số bà con tự tin mở rộng diện tích sản xuất, vươn lên làm giàu”, chị K’Biển nói. 

Với gia đình anh Y Bông tại thôn Păng Sim, sau nhiều lần chần chừ, đến đầu năm nay, anh cũng đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào cà phê sang trồng dâu, nuôi tằm. Anh cho biết, ban đầu chưa có vốn nên anh chưa dám chuyển đổi, khi đã có đủ vốn, anh đầu tư trồng dâu, nuôi tằm ngay vì mô hình này cho thu nhập cao, ổn định hơn. Cách 2 tháng gia đình anh thu kén tằm một lần, do mới nuôi, kinh nghiệm ít, nên năng suất chưa cao. Tháng 8 vừa rồi, gia đình anh bán được 3 triệu đồng tiền kén tằm, phần nào giúp gia đình thu hồi vốn đầu tư. “Với các bài học rút ra từ lứa đầu, tôi tin các lứa tới sẽ cho mức thu nhập cao hơn”, anh Y Bông tự tin nói. 

Ông Trần Đình Thảo - Phó Chủ tịch xã Phi Liêng cho biết, cùng với cây trồng chủ lực là cây cà phê, những năm gần đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm của xã có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích và sản lượng. Chủ yếu tập trung tại các thôn Liêng Đơng, Păng Sim, Bóp Lé và Thanh Bình. Nghề dâu tằm mang lại cho người dân thu nhập cao hơn so với sản xuất một số cây trồng, vật nuôi khác nhờ vốn đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi. “Trồng dâu, nuôi tằm hiện đã và đang là mô hình thoát nghèo, giúp phần lớn người dân trên địa bàn xã Phi Liêng có điều kiện nâng cao cuộc sống”, ông Thảo nói. 

Để bà con nông dân, nhất là với những hộ đồng bào DTTS phát triển trồng dâu, nuôi tằm đạt năng suất, chất lượng, ông Thảo cho biết, từ năm 2020, xã Phi Liêng đã xây dựng và triển khai Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển trồng dâu, nuôi tằm trong vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2020-2025”. Trong thời gian hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, xã Phi Liêng đã hỗ trợ 25 bộ dụng cụ nuôi tằm cho các hộ nghèo, cận nghèo; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho nông dân. Mặt khác, địa phương cũng tạo điều kiện để bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và hỗ trợ cây, con giống, phân bón chất lượng; đặc biệt, ưu tiên hộ nghèo và cận nghèo. Các tổ chức hội, đoàn thể của xã cũng đã liên kết thành lập các tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm, khuyến khích, vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi. Riêng trong năm 2022, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ của xã đã thành lập được 3 Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Dơng Gle và thôn Păng Sim. 

Nhờ đó, chỉ sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết, diện tích và sản lượng dâu tằm tăng lên rõ, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã. Tính đến hiện tại, diện tích dâu tằm của Phi Liêng là hơn 100 ha, gần gấp đôi so với năm 2020. Nhờ trồng dâu, nuôi tằm, thu nhập, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững. Cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 12,11%; giảm 7,66% so với cuối năm 2021. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm còn khoảng dưới 7%. 

Với những lợi ích kinh tế mà trồng dâu, nuôi tằm mang lại, ông Thảo cho biết, thời gian tới, UBND xã Phi Liêng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém năng suất sang trồng dâu, nuôi tằm và các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Không những tạo điều kiện tốt nhất cho bà con trồng dâu, nuôi tằm hiệu quả, xã Phi Liêng cũng đã thành lập tổ công tác phụ trách từng thôn hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm và nguồn cây, con giống, phân bón chất lượng. Phấn đấu đến năm 2025, toàn xã có diện tích dâu tằm đạt 100-120 ha; trong đó, vùng đồng bào DTTS đạt 60 ha.